(PTTTO) – Vượt đường trường hơn 60 cây số, xuống ghe vượt thêm 25 phút đường biển để tặng quà cho bà con nghèo Cần Giờ, quả thật có quá nhiều cảm xúc với đoàn thiện nguyện Phương Ngân.
Điều dễ nhận thấy nhất là cái nắng tạo cảm giác nóng cho cả đoàn đã khiến nhiều người hơi choáng, nhất là đoạn vượt biển với những cơn sóng dạt dào khi đến đảo Thạnh An khiến cả đoàn cứ phập phồng lo sợ dù có cái áo phao đeo sát trong người.
Đến với đảo nghèo
Dân cư của đảo Thạnh An dù bên ngoài là những căn nhà tường quét vôi, nền xi măng nhưng theo lời dân địa phương hầu hết đều có cuộc sống khá bấp bênh. Đất vườn, đất ruộng đều ngập mặn, nghề biển thì không phải ai cũng có tàu để đánh bắt xa bờ, riêng chuyện buôn bán kinh doanh thì “ì ạch” bởi đâu có khách nào vượt biển vào đây làm ăn.
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi đến là ngôi nhà eo hẹp lụp xụp của chú Kiên đang bị ung thư gan. Chú ngồi tiếp khách lạ trên một cái giường gổ với gương mặt đầy khắc khổ. Tuy tôi kêu bằng chú (bởi sự già đời) nhưng khi hỏi tuổi mới biết Chú Kiên sinh năm 1974 tức nhỏ hơn tôi… 11 tuổi, nói như thế mới hình dung được căn bệnh đã hoành hành “chú” suốt mấy năm qua một cách tàn khốc như thế nào. Khi nhận phong bì lì xì từ Việt Hà và Jenny Nguyễn, ánh mắt chú đong đầy sự tình cảm và chú chỉ kịp gập gầu với câu nói lí nhí: ” Cảm ơn và cảm ơn”.
Dọc con đường biển đảo này, chúng tôi được 5 chiếc xe ôm chở đi đến từng nhà người nghèo cần giúp đỡ, trong số này có vợ chồng cô Thảo và chú Đức, cả hai bị tai biến từ nhiều năm qua, chỉ còn khả năng… ngồi một chổ! Thuốc thang thì ai cho gì uống đó chứ hai chữ Bệnh viện ở cái đảo này gần như là “xa xỉ” đối với dân nghèo nơi đây.
Không biết cảm xúc thế nào mà khi thấy chúng tôi, cô Thảo chỉ biết nghẹn ngào không nói thành lời, sau đó cô bật khóc vì… tủi thân, có lẻ lâu lắm rồi mới có người đến thăm và tặng tiền. Còn chú Đức mừng quá như muốn hét to lên lời cảm ơn. Người hàng xóm cho biết:” Mỗi ngày hai vợ chồng chỉ có ngồi, rồi nằm và chờ đến ngày về với ông bà, chứ giờ ngồi một chổ còn biết làm gì nữa đâu!”
Điểm thứ ba chúng tôi đến là một cô gái có căn bệnh lạ: Toàn thân ửng hồng với lớp da… rắn. Cô bảo: ” Con bị bệnh này nhiều năm nay rồi, cũng đi bác sĩ, cũng đến thầy đông y, và bà con ai chỉ loại thảo mộc nào để uống, để tắm, con đều đã làm hết. Nhưng suốt thời gian qua vẫn cứ phải khổ sở với hình thù quái gỡ này và có lúc con không muốn gặp một ai vì quá ư mặc cảm”.
Cuộc gặp gỡ gian nan gập ghềnh
Rời điểm này, chúng tôi vội vả lên tàu đến vùng đảo Thiềng Liềng. Cái nắng, cái đói như thử thách lòng người. Hai chiếc tàu song hành xuất bến chạy gần 30 phút mà vẫn không thấy điểm đến. Hai chiếc ghe đưa chúng tôi vào khu rừng ngập mặn để đến với hai căn hộ nghèo… rách mồng tơi.
Gặp ngay con nước cạn, hai chiếc ghe ì ạch vượt sình và nhiều lần đâm vào lùm cây vì tài công không thể lái được. May nhờ anh ngư dân biển, tình nguyện lội sìn, khó khăn lắm mới lôi chiếc ghe cập bến.
Cuộc gặp gỡ trong “cái chòi” rách nát khiến các thành viên Hồng Ánh, Jenny Nguyễn, Phương Ngân, Việt Hà và cả anh Sáu với nick name Bố già Sài Gòn… rất đau lòng xót dạ, bởi cuộc sống nơi đây quá nhiều thiếu thốn. Nhanh chóng gởi tiền và nhanh chóng tâm sự với gia chủ, chúng tôi tiếp tục lên ghe để còn kịp vào bờ, vì thời tiết báo chiều nay sẽ có mưa to.
Chỉ có những ai ngồi trên chiếc ghe mong manh, cảm nhận từng cơn sóng ầm ầm ập vào mạn ghe trên vùng biển mênh mông thì mới hiểu được sự nguy hiểm củ người đi biển. Đến lúc này tôi mới sực nhớ vì sao chỉ có 10 người, nhưng phải đi hai chiếc ghe, vì theo lời tài công cho biết: ” Đi hai chiếc, lỡ có chuyện “tai hại” xảy ra thì còn chiếc thứ hai ứng cứu, chứ mênh mông biển cả thế này, chuyện lật ghe và chuyện mất… xác thì không ai lường trước được…!” Và khi tới được bờ an toàn, anh Minh một thương gia người Hồng Kong đi chung đoàn nói như lời cảnh báo: “Đi kiểu này nguy hiểm quá, lần sau phải tìm phương án an toàn hơn nhe, nãy giờ hồi hộp quá mà hỏng dám nói ra!”.
Đến ngày thứ hai phát quà, điểm đến là nơi ở của 70 trẻ em đang mang trong người một căn bệnh trầm kha: Ung thư. Khi chúng tôi đến phải hứa với người dẫn đường là không được quay phim, không được đi đông người và không được kéo dài thời gian thăm hỏi, bởi các em rất yếu. Nhanh chóng triển khai phát tiền (ngắn gọn) nhanh lẹ hỏi thăm và động viên, và chỉ mất tầm 45 phút chúng tôi đã kịp ghi nhận có quá nhiều hoàn cảnh thương tâm. Có em vừa mỗ mắt, có em bị cưa mất một chân, có em mê man vừa khóc vừa hét vì cơn đau nhức hành hạ. Chúng tôi chỉ biết động viên vài câu, đưa vội cái phong bì và nhanh chóng đi ra về trong tâm trạng đầy tự sự. Kiếp người cùng sinh ra, không phải ai cũng được lành lặn vui khoẻ.Xung quanh ta còn rất nhiều trường hợp kém may mắn, buộc phải sống trong kiếp sống đầy bất hạnh thế này, nên cần tấm những tấm lòng biết sẽ chia, dù chỉ là những phần quả nhỏ nhoi…
Đời nghèo thương hồ ven sông
Tiếp tục đến với bà con làng nghèo nằm ngay ven sông Bình Điền, nới chí cần phóng tầm mắt nhìn ra xa đã thấy ngay những toà cao ốc của người dân Sài Gòn. Chỉ lần theo con hẻm của dãi phòng nhà trọ, đã hiện ra một làng nghèo là những chiếc ghe mục nát mà ngôn từ trên mạng đã đặt cái tên nghe rất “kiêu hảnh”: Xóm việt kiều.
Thật ra đây là nơi ở của những người dân trôi dạt từ Campuachia về địa phương này, họ sống bằng nhiều nghề phổ thông như: Nhặt ve chay trên sông lẫn trên bờ , phụ bán nông sản, hải sản ở chợ đầu mối Bình Điền. Có người đi phụ hồ, có người ai sai gì làm đó, miễn sao không phải nghề phạm pháp là ok.
Nổi bật trong số người nơi đây là bà Hai, năm nay đã 90 tuổi. Sinh thời nghe nói bà rất đẹp gái, sống ở Campuachia nhưng giờ có tuổi rồi, hai con mắt không thấy đường nên bà chỉ sống bằng tình thương của những người xung quanh. Thấy bà lớn tuổi lại vui vẻ, tôi mạo muội hỏi: Bà có mơ ước gì? Bà nói nhanh:” Từng tuổi này tôi hết biết sợ rồi, chỉ sợ nhất là khi chết mà không có hòm chôn mà thôi!”. Hiểu được tâm tư này, NSUT Hạnh Thuý từng có lần đến thăm đã hứa: “Bà Hai cứ an tâm, khi nào bà về trời, tụi con dư sức lo cho bà”.
Chỉ là lời hứa thôi, nhưng xem ra bà vui như chưa từng được vui, và lần này đến thăm thấy bà vẫn khoẻ, vẫn có thể lần mò theo tấm ván của “cây cầu khỉ” chông chênh, để ngồi mà tâm sự cùng khách quý. Cuộc thăm hỏi và tặng tiền cho 8 hộ gia đình nơi đây (mỗi hộ 2 triệu đồng) và một phần học phí 2 triệu đồng cho em trai tên Đức đóng tiền học, cứ tưởng đã kết thúc, nhưng ngay ngày hôm sau, bạn Tuệ Lâm (người từng tặng rất nhiều phần linh chi quý hiếm đã nhắn tin: Khi nào anh Long đi thăm bà con, nhớ nhắn em nhe) nhận tin này lòng tôi ấm áp là sao. Và khi hay tin “bà mẹ độc thân” một cô gái 26 tuổi sống trên chiếc ghe này (chồng vừa mất trong dịch covid vừa qua) được giới thiệu đi làm nghề tóc, Diễn viên – Hoa hậu doanh nhân Phương Ngân đã nhanh chóng chuyển khoản cho tôi 5 triệu đồng để giúp bà mẹ trẻ này có phương tiện di chuyển trong thời gian học nghề. Cô chủ tiệm tóc xinh đẹp tên Hương cũng tình nguyện nuôi cơm ngày 3 bữa. Riêng tiền sữa cho đứa bé mồ côi cha, tôi cũng tình nguyện hỗ trợ phía sau để cô ấy an tâm học nghề. Sống trên đời cần có một tấm lòng, và trong tôi luôn cảm thấy ấm lòng trước những nghĩa cử trân quý của nhóm bạn này đã đồng hành trong suốt những ngày qua, dẫu gì cuộc sống này vẫn còn quá nhiều điều đáng yêu.
Lữ Đắc Long
Phương Ngân cùng bạn vượt biển, men sông tặng quà cho bà con nghèo