(PTTTO) – Trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, app giao dịch (Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF…) sử dụng công cụ truyền thông, báo chí nhằmquảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, với việc huy động dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Ở lĩnh vực Fintech chứng khoán, các ứng dụng đầu tư hiện đang nở rộ. Ảnh minh hoạ
Qua đó, các giao dịch trên thực tế là hoạt động “hợp tác đầu tư” cùng các ứng dụng đầu tư. Ngoài ra, đơn vị đứng tên sở hữu tài sản là các ứng dụng đầu tư, không phải các nhà đầu tư thực hiện các giao dịch lẻ. Các ứng dụng đầu tư sẽ “gom” các giao dịch lẻ của nhiều nhà đầu tư khác nhau cho đến khi đạt được số lượng cổ phiếu/tài sản đủ để thực hiện giao dịch theo quy định hiện hành của pháp luật…
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự hình thành và phát triển của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) tăng nhanh chóng từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 lên đến khoảng 200 công ty ở thời điểm hiện tại, với nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau như thanh toán, cho vay ngang hàng (P2P), chấm điểm tín dụng, quản lý tài chính cá nhân, đầu tư – tiết kiệm…
Điển hình, sau khi đại dịch Covid – 19 xuất hiện thì lĩnh vực Fintech chứng khoán, các ứng dụng đầu tư nở rộ, thu hút thêm sự chú ý của khách hàng cá nhân với các hoạt động đầu tư, quản lý tài sản, gửi tiết kiệm trực tuyến…Do vậy, hàng loạt ứng dụng đầu tư có thể kể tới như Infina, Finhay, Tikop, BUFF, Save Now…Các mảng, lĩnh hoạt động của các công ty Fintech kể trên đều mới, hầu hết hiện chưa có khung pháp lý toàn diện hoặc quy định pháp lý cụ thể để điều chỉnh, do đó tiềm ẩn rủi ro đối với các chủ thể tham gia thị trường, bao gồm khách hàng sử dụng dịch vụ và chính bản thân doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp Fintech…
Cụ thể, ngày 5/10/2022, UBCK đã đưa ra khuyến cáo nêu rõ, một số doanh nghiệp gần đây đã thiết lập các website, app giao dịch (Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF,…) sử dụng công cụ truyền thông, báo chí quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được UBCK cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Theo đó, nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình. UBCK khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch này, nhà đầu tư chịu trách nhiệm đối với các rủi ro có thể phát sinh. Có thể thấy, rủi ro của nhà đầu tư là dễ nhận thấy từ cảnh báo này của UBCK.Đồng thời, rủi ro lớn nhất cho hoạt động kinh doanh tới từ quy định của nhà quản lý.
Chia sẻ về điều này, Luật gia – Nhà báo Hồ Minh Sơn – Chủ tịch HĐQL Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLPIE), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), đại diện Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống cho rằng việc các ứng dụng đầu tư, các công ty Fintech nở rộ trong thời gian vừa qua đang ở trong khoảng trống pháp lý. Luật gia – Nhà báo Hồ Minh Sơn, nhấn mạnh: “Do có khoảng trống pháp lý, nên câu chuyện về đúng – sai, quyền lợi – nghĩa vụ chưa rõ ràng. Pháp luật khuyến khích tự do kinh doanh, nhưng một khi xảy ra hiện tượng. Điển hình,một sàn giao dịch hay một ứng dụng đầu tư chẳng may thua lỗ, khách hàng khởi kiện thì các công ty này khó chứng minh tính chân thực của mình”.
Trong thời đại công nghệ 4.0, nhiều lời giới thiệu, mời gọi đầu tư, sẽ là đi sau thời đại nếu không biết ứng dụng (app) đầu tư, cách kiếm tiền và đầu tư qua hình thức này. Các doanh nghiệp trên giới thiệu, app đầu tư online là nền tảng để hỗ trợ những nhà đầu tư có số vốn nhỏ kiếm tiền nhanh chóng và bền vững từ các sản phẩm tài chính. Luật gia – Nhà báo Hồ Minh Sơn cho rằng, trong quá trình hoạt động kinh doanh, đa phần các ứng dụng đầu tư đều công bố thông tin về lợi nhuận cao, chi phí thấp để hấp dẫn khách hàng. Bản thân các cam kết này cũng có thể chống lại các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nếu bị khởi kiện, với các truy tố về lừa đảo…
Cùng với đó, nếu tách bạch 2 hoạt động: Thứ nhất, công ty cung cấp ứng dụng hoạt động như trung gian kết nối khách hàng và các tổ chức bao gồm công ty chứng khoán/công ty quản lý quỹ. Thứ hai, công ty cung cấp ứng dụng quản lý và sử dụng tiền trực tiếp từ nhà đầu tư mà chưa được cấp phép.
Trong khi đó, TS. Võ Đình Trí – Giảng viên Đại học Kinh tế TP. HCM thì cho hay, khuyến cáo của UBCK là phù hợp trong bối cảnh nở rộ các ứng dụng như hiện nay, tránh tình trạng nhà đầu tư góp vốn chưa hiểu rõ thông tin, dẫn tới rủi ro. TS. Võ Đình Trí, nhấn mạnh: “Dù là trung gian hay quản lý trực tiếp tiền của nhà đầu tư, thì câu chuyện minh bạch vẫn rất quan trọng. Đây là sự đồng nghĩa với việc các app đầu tư – tiết kiệm trên thị trường hiện nay phải công khai hợp đồng, cảnh báo rủi ro… tới nhà đầu tư. Đồng thời, là trách nhiệm của các đơn vị trung gian trong dịch vụ đầu tư tài chính. Bên cạnh đó, cần có khung pháp lý quản lý hoạt động của các Fintech, hoặc các cơ chế thử nghiệm (sandbox) để phát triển thị trường dành cho các khách hàng đầu tư, tích lũy từ số tiền nhỏ”.
Cũng theo Luật gia – Nhà báo Hồ Minh Sơn chia sẻ thêm căn cứ theo Khoản 1 Điều 108 Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định Công ty tài chính được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng như nhận tiền gửi của tổ chức; phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức; vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; vay Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức tái cấp vốn theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng; bảo lãnh ngân hàng; chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng, các giấy tờ có giá khác; phát hành thẻ tín dụng, bao thanh toán, cho thuê tài chính và các hình thức cấp tín dụng khác sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Vì lẽ đó, căn cứ quy định này thì công ty tài chính không được huy động vốn bằng cách nhận tiền gửi của cá nhân.
Cùng với đó, Luật gia – Nhà báo Hồ Minh Sơn thông tin thêm tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2022 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022 đã xác định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương “Hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ dòng tiền vào các lĩnh vực có tính đầu cơ. Tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu của tổ chức tín dụng và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp”.
Sau đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Công văn số 1976/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, yêu cầu thực hiện kiểm soát chặt chẽ các khoản cấp tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp…Luật gia – Nhà báo Hồ Minh Sơn cho hay.
Luật gia – Nhà báo Hồ Minh Sơn chia sẻ nhiều thông tin về ứng dụng đầu tư
Thế nhưng, hầu hết các nhà đầu tư vẫn chưa thật sự thấu hiểu được những mối nguy hại từ hoạt động đầu cơ với các ứng dụng đầu tư. Từ đó, khiến cho họ lơ là, thiếu cảnh giác, dẫn đến những hệ quả tiêu cực. Như vậy, UBCK đã kịp thời cảnh báo về những rủi ro mà việc ứng dụng đầu tư để các nhà đầu tư có những điều chỉnh chiến lược nhằm hạn chế tác động tiêu cực của việc đầu cơ, từ đó, dẫn đến phải gánh chịu các rủi ro phát sinh, Luật gia – Nhà báo Hồ Minh Sơn khuyến nghị.
Theo Văn Hải/huongnghiepthiturong.vn