(PTTTO) – Trong thời gian 5 ngày (từ 10 đến 14/10/2022), tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã diễn ra Hội thi thiết bị đào tạo tự làm lần thứ VII năm 2022.
Tham dự Hội thi có 57 tỉnh/thành phố, với tổng số thiết bị đăng ký dự thi là 381 thiết bị của 191 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Với số lượng thiết thị tham gia có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Phản ánh sự quan tâm, đầu tư của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; sự đam mê, nhiệt huyết của các nhà giáo trong nghiên cứu khoa học, sản xuất chế tạo các thiết bị đào tạo tự làm phục vụ cho quá trình dạy và học hiệu quả, thiết thực đúng với yêu cầu của nội dung đào tạo.
Đặc biệt, năm nay có nhiều thiết bị dự thi đã được đầu tư công nghệ hiện đại để lại ấn tượng tại Hội thi. Trong đó, phải kể đến một ngôi trường mới phát triển, nhưng đã được đầu tư theo hướng hiện đại, tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế. Đó là Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông (đơn vị đồng hành cùng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế – IMRIC), đại diện cho tỉnh Đắk Nông tham gia hội thi với 02 thiết bị công nghệ số, đó là: “Mô hình mô phỏng tháo lắp động cơ 1NZ-FE” của nhóm tác giả Nguyễn Thanh Thuận và Nguyễn Quốc Hà; “Mô hình mô phỏng thực hành trang bị điện” của nhóm tác giả Nguyễn Công Trà và Nguyễn Thị Hương.
Phần thi của nhóm tác giả Nguyễn Công Trà và Nguyễn Thị Hương
Xuất phát từ quá trình đào tạo thực tiễn, theo phương pháp truyền thống tại trường, để người học hình thành được kỹ năng, người học phải thao tác nhiều trên thiết bị thật, từ đó dẫn đến hao mòn máy móc giảm tuổi thọ thiết bị, tiêu hao nguyên vật liệu, tăng chi phí đào tạo. Với chủu đề “Mô hình mô phỏng tháo lắp động cơ 1NZ-FE” và “Mô hình mô phỏng thực hành trang bị điện” là mô hình thực tế ảo…
Cụ thể, 02 mô hình này giải quyết các vấn đề: Giúp người học nắm bắt được cấu tạo, nhận dạng các bộ phận chi tiết của động cơ một cách nhanh chóng; sử dụng mô hình này để đào tạo phần thực hành, người học sẽ được học thực hành trên mô hình ảo trước và nắm bắt được quy trình tháo lắp, các phương pháp tháo lắp các chi tiết bộ phận của động cơ, sau đó người học sẽ được chuyển sang thực hành trên mô hình thật để hình thành kỹ năng, từ đó rút ngắn được thời gian hình thành kỹ năng khi người học thao tác trên mô hình thật; rèn luyện kỹ năng đấu nối được các mạch điện đúng quy trình kỹ thuật, rút ngắn thời gian hình thành kỹ năng từ mô hình ảo qua thiết bị thật; giúp cho người học tiếp thu bài giảng một cách trực quan, dễ nhớ; giúp người học tiếp cận được với công nghệ số hóa nhằm gây hứng thú, tìm tòi sáng tạo trong quá trình học tập, thực hành.
Phần thi nhóm tác giả Nguyễn Quốc Hà và Nguyễn Thanh Thuận
Trong đó, sử dụng Mô hình thiết bị trong giảng dạy giúp nhà trường giảm được chi phí vật tư phôi liệu thực hành trong quá trình đào tạo; giảm thiểu sự hao mòn máy móc, tránh được hư hỏng những chi tiết động cơ khi thực hành, từ đó giảm chi phí đào tạo. Ngoài ra, mô hình có thể sử dụng để phục vụ giảng dạy online, phù hợp với quá trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp thời đại 4.0. Thiết bị và phần mềm có thể ứng dụng trực tiếp, trực tuyến cho các kỹ năng tháo lắp, đấu nối, kiểm tra, vận hành các mạch điện điều khiển máy, mô hình sản xuất và mạch ứng dụng khác trên thực tế. Ứng dụng vào đào tạo các môn học: Khí cụ điện, trang bị điện, máy điện, truyền động điện, lắp đặt điện…
Phần thi nhóm tác giả Nguyễn Quốc Hà và Nguyễn Thanh Thuận
Được biết, tỉnh Đắk Nông là một tỉnh tích cực trong lĩnh vực chuyển đổi số trong thời gian qua. Tỉnh Đắk Nông coi chuyển đổi số là xu hướng mở ra nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười, khẳng định: “Chuyển đổi số là yếu tố quan trọng trong quá trình thúc đẩy sự phát triển của tỉnh, của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân. Muốn làm tốt nhiệm vụ này, điều quan trọng nhất là vai trò của người đứng đầu chính quyền, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp”.
Mô hình mô phỏng tháo lắp động cơ 1NZ-FE
Theo đó, Trường CĐCĐ Đắk Nông đang tích cực triển khai chuyển đổi số trong các hệ thống quản lý giáo dục nghề nghiệp, hệ thống dạy học trực tuyến, số học liệu và trang thiết bị đào tạo. Trường CĐCĐ Đắk Nông đầu tư 02 thiết bị dự thi thuộc ngành đào tạo Công nghệ ô tô và Điện công nghiệp, hai ngành này là các ngành nghề trọng điểm quốc gia, cũng là ngành mũi nhọn của tỉnh. Hiện nay, có khoảng trên 300 học sinh sinh viên theo học hai ngành này, chiếm khoảng 30% tổng số học sinh, sinh viên của trường. Đồng thời, sẽ không ngừng đổi mới, phát triển và hướng tới là cơ sở đào tạo nghề nghiệp chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài tỉnh, gắn kết chặt chẽ với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Theo Minh Sơn – Hữu Ước/Huongnghiepthitruong.vn