(PTTTO) – Gần đây, xuất hiện vấn nạn “tung tin đồn thất thiệt” hiện đang nhận được sự quan tâm lớn từ xã hội, điều này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tài sản, thậm chí là tính mạng của người dân. Trước “ma trận” tin đồn như vậy, nhiều câu hỏi của người dân, doanh nghiệp đặt ra, những kẻ tung tin thất thiệt sẽ bị xử lý như thế nào? Xử phạt vi phạm hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự?…
Ảnh minh hoạ
Đối với thông tin thất thiệt, doanh nghiệp cần kịp thời phản biện
Cụ thể, ngày 11/7 vừa qua, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội cho biết, Thanh tra Sở đã phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm Công nghệ cao, Bộ Công an xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Tô Vĩ Hoàn (sinh năm 1984, trú tại Phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) số tiền 7,5 triệu đồng về hành vi đưa thông tin thất thiệt liên quan đến Tập đoàn Vingroup và yêu cầu gỡ bỏ thông tin sai sự thật.
Đồng thời, Bộ Công an cũng xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật đối với 9 cá nhân ở 7 tỉnh, thành phố khác đã đưa thông tin thất thiệt về việc ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm xuất cảnh.
Có thể thấy, với quy định hiện hành thì những kẻ tung tin đồn thất thiệt, bịa đặt này chỉ bị xử lý hành chính. Qua đó, pháp luật quy định vẫn chưa thật sự đủ tính răn đe, phòng ngừa…Đặc biệt, vẫn chưa tương xứng với thiệt hại mà hành vi này gây ra. Cụ thể, trong vụ việc trên, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Tô Vĩ Hoàn (38 tuổi) với mức phạt tiền là 7,5 triệu đồng. Với mức phạt này là quá nhẹ khiến dư luận băn khoăn, không đồng tình vì tính chất, mức độ nguy hiểm cũng như hậu quả tiêu cực, thiệt hại rất lớn đối với xã hội.
Chia sẻ về điều này, ThS. Luật gia – Nhà báo Hồ Minh Sơn – Chủ tịch HĐQL Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLPIE); Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC); Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật tại TP.HCM; Đại diện Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống phía Nam dẫn chứng theo quy định hiện hành thì hành vi xúc phạm danh dự, nhâm phẩm của người khác trên mạng xã hội nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội “Làm nhục người khác” tại điểm e, khoản 2 Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với hành vi: “Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”; hoặc có thể xử lý về tội “Vu khống” theo điểm e khoản 2 Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với hành vi: “Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”.
Đồng thời, ThS. Hồ Minh Sơn cho hay việc tung tin đồn thất thiệt sẽ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, tài chính vừa qua bị “tung” tin xấu không đúng sự thật. Một số doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, bị dính tin đồn xấu, lập tức cổ phiếu bị nhà đầu tư bán tháo, giảm sàn nhiều phiên. Phản ứng dây chuyền xấu, các cổ phiếu tài chính khác cũng giảm theo…khiến thị trường bị giảm hàng nghìn tỷ đồng, doanh nghiệp và nhà đầu tư cùng thiệt hại nặng.
Đồng thời, việc tung tin đồn thất thiệt như là một “vấn nạn” đang gây nhức nhối cho người dân, doanhnghiệp hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho người dân dung mạng xã hội và cơ quan chức năng. Những tổn thất gây ra bởi các tin đồn thất thiệt là rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, sức khỏe lẫn niềm tin, thậm chí là tính mạng của người dân, từ đó tạo nên tâm lý hoang mang, lo sợ cho người dân. Đây là hệ luỵ rõ ràng nhất về nỗi sợ cố hữu trong lòng, gieo rắc vào tâm trí của người dân và tích tụ một cách tiềm ẩn từ các tin đồn vô căn cứ về nạn bắt cóc trẻ em trước đó.
Theo ThS. Hồ Minh Sơn cho rằng, để kiểm soát, ngăn chặn triệt để thông tin thất thiệt, chính các doanh nghiệp cần phải linh hoạt và có phản ứng phản biện lại những thông tin thất thiệt đó ngay, để nhà đầu tư và khách hàng tin tưởng, an tâm khi hợp tác, hay mua cổ phiếu của mình. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần phản ứng nhanh chóng, đưa ra giải pháp ngay khi có thông tin thất thiệt…Từ đây cho thấy, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến việc thực hiện pháp luật cần được liên tục phổ biến để người dân hiểu, nghiêm chỉnh chấp hành, không có các hành vi tung tin thiếu kiểm chứng; nếu xảy ra vi phạm phải kịp thời, chủ động, tích cực cải chính, khắc phục.
Không thể phũ nhận trong thời đại công nghệ ngày càng phát triển thì nhiều người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng những thành tựu này, do đó các tin đồn bị “số hoá”, chỉ trong một đêm vô số hệ luỵ đã xảy ra từ các tin đồn. Điều này đã dấy lên lo ngại về sự xuống cấp đạo đức của một số đối tượng thiếu ý thức, cũng như sự quan ngại về việc sụp đổ niềm tin của cộng đồng trước ma trận thông tin thất thiệt. Trong đó, cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường các biện pháp hữu hiệu quản lý không gian mạng; thường xuyên kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, đăng tin không đúng sự thật. Cần có biện pháp chế tài xử phạt, thậm chí xử lý hình sự nghiêm khắc hơn đối với các đối tượng tung tin đồn thất thiệt gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Khẳng định rằng, với việc tung tin thất thiệt, nhất là thông tin xấu độc, gây hoang mang dư luận xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc, vào nội dung, tính chất, mức độ, động cơ của hành vi, hậu quả của việc tung tin thất thiệt… các đối tượng tung tin sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc bị xử lý trách nhiệm hình sự.
Cũng theo ThS. Hồ Minh Sơn dẫn chứng theo Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín. Cụ thể: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, người nào tung tin đồn thất thiệt xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của một tổ chức, cá nhân cụ thể thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu người tung tin đồn phải xin lỗi và bồi thường thiệt hại, đồng thời còn có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức.
ThS. Hồ Minh Sơn dẫn chứng theo Điều 258 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” có quy định: “Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm”.
Cùng với đó, theo quy định tại Điều 226 được sửa đổi bởi Điều 27 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009 về tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính. Cụ thể: “Người nào thực hiện hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của Bộ luật này xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Có thể thấy, tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà người tung tin đồn thất thiệt lên các trang mạng xã hội mà có thể bị xử lý hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông được quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự 2015. Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.
Song song đó, tùy vào mức độ tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà người phạm tội trên có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, ThS. Hồ Minh Sơn dẫn chứng.
Tuy nhiên, đa phần các vụ việc tung tin đồn như vừa phân tích chỉ bị nhắc nhở, kiểm điểm cũng như xử phạt hành chính, chưa có nhiều đối tượng bị xử lý hình sự. Vì vậy những người tung tin đồn thất thiệt lên mạng để nhằm “câu like” hay nhằm thu lợi bất chính, hoặc để thu hút sự chú ý nhằm quảng cáo, bán hàng đều bị nghiêm trị trước pháp luật. Có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự tùy theo mức độ ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức.
Trước thông tin thất thiệt, người dùng mạng xã hội cần kiểm chứng, bình tĩnh và sáng suốt
Không thể phũ nhận, mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ. Trong đó thông tin xấu, độc xuất hiện ngày càng nhiều, từ các vấn đề chính trị, kinh tế – xã hội đến chuyện đời tư hay bôi nhọ tổ chức, cá nhân.
Điều đáng nói, không ít người dùng mạng xã hội mất cảnh giác, không đánh giá, kiểm chứng thông tin, mà tin, hùa theo bình luận, phát tán. Với nền tảng kết nối không có biên giới, tin giả, tin sai sự thật vừa xuất hiện ngay lập tức có hàng nghìn lượt chia sẻ, hàng triệu lượt xem. Vì thế tốc độ lan truyền theo cấp số nhân và hậu quả khó đo đếm được. Từ đầu năm 2022 đến nay, hàng nghìn bài viết, video có nội dung xấu, độc, vi phạm pháp luật đã bị yêu cầu gỡ bỏ khỏi các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới.
Nói về điều này, ThS. Hồ Minh Sơn cho biết, khi có tin đồn thất thiệt ngay lập tức cần nhanh chóng cắt đứt tin đồn, lời đàm tiếu bằng cách tham gia ngay trước khi mọi thứ bị lan truyền đi quá xa (nguyên tắc là trước 72 giờ sau khi tin đồn đầu tiên bị phát tán). Ngoài ra, nhằm ngăn chặn những tin đồn thất thiệt, cần tập trung thực hiện một số biện pháp, như cơ quan Nhà nước phải chủ động thông tin đúng đắn, chính xác; người dân cần phải tỉnh táo trước những tin đồn thất thiệt. Để ngăn chặn những tin đồn thất thiệt, trước hết các cơ quan quản lý nhà nước phải nắm bắt thông tin một cách kịp thời, nhanh chóng có phát ngôn chính thống để bác bỏ các tin đồn thất thiệt.
Dịp này, ThS. Hồ Minh Sơn khuyến nghị khi có tin đồn thất thiệt thuộc lĩnh vực bộ, ngành nào quản lý, nhất thiết phải cử cơ quan chuyên ngành xác minh kịp thời, truy nguyên nguồn gốc, diễn biến hình thành tin đồn, đưa ra kết luận để công bố trước công luận, không thể để chậm trễ, nhằm chủ động ngăn chặn sự lan rộng của nó, hạn chế tác động tiêu cực. Từ đó, nhanh chóng cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về sự kiện đang xảy ra tin đồn thất thiệt. Việc công bố có thể thực hiện ngay thông qua thông cáo báo chí trên các phương tiện truyền thông để người dân nắm được. Đồng thời có những biện pháp xử lý kiên quyết những đối tượng cố tình tung tin đồn thất thiệt để trục lợi, phá hoại.
Đặc biệt, đối với người dân, cần bình tĩnh, tỉnh táo trước những tin đồn thất thiệt là điều cần thiết. Qua đó, nhiều người do không rõ thông tin thực hư và cũng không có điều kiện tìm hiểu, đã hành động theo thói quen, theo cảm tính hoặc theo phong trào. Trước những tin đồn thất thiệt, người dân phải thực sự bình tĩnh, tự mình thẩm định, đánh giá thông tin hoặc chờ tin chính thống được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Khẳng định rằng, tin giả, tin xấu độc khi lên mạng xã hội sẽ lan truyền rất nhanh, rất xa, ảnh hưởng rất lớn. Vì lẽ đó, vấn đề quan trọng nhất là nâng cao ý thức, sự cẩn trọng của người dùng mạng xã hội thông qua các bộ quy tắc ứng xử và việc tuyên truyền, hướng dẫn. Người dùng mạng xã hội khi tiếp nhận những thông tin, nhất là những thông tin nhạy cảm, cần bình tĩnh đánh giá, kiểm chứng với thông tin chính thống, không vội vàng hấp thụ, chia sẻ hay bình luận để vô tình lan truyền thông tin xấu, độc. Tăng “sức đề kháng” của người dùng mạng xã hội mới là cái gốc, góp phần triệt tiêu thông tin xấu độc, sai sự thật.
Mạng xã hội giúp con người xóa đi khoảng cách về địa lý, tự do chia sẻ thông tin, suy nghĩ cảm xúc của mình…Thế nhưng, đây cũng là môi trường thuận lợi để kẻ xấu thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có việc tung tin bịa đặt, bôi nhọ, vu khống danh dự nhân phẩm của cá nhân, tổ chức. Những thông tin chưa được kiểm chứng, thậm chí là tin bịa đặt, sai sự thật… khi được lan truyền và phát tán trên mạng xã hội không chỉ gây tâm lý hoang mang, hoài nghi cho người đọc mà còn gây thiệt hại cả về uy tín và vật chất cho các tổ chức, cá nhân liên quan đến thông tin thất thiệt. Nhiều vụ việc đã được cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, “chờ được vạ thì má đã sưng”, chờ được minh oan thì nạn nhân đã chịu “búa rìu” dư luận khá nhiều và nó cũng gây ra những hệ lụy khôn lường.
Tin rằng, khi tham gia mạng xã hội, mỗi cá nhân phải có trách nhiệm với cộng đồng và chịu trách nhiệm về thông tin mình đăng tải. Ngược lại, người tiếp nhận thông tin cần tỉnh táo trước các thông tin, có sự phân tích, đánh giá, cân nhắc cẩn thận, để không trở thành “con rối” bị kẻ xấu “giật dây”.
Theo Văn Hải – Trần Danh/HNTTO