(PTTTO) – Theo Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cụ thể về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Theo đó, nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Anh Dũng bị thương tích ở mặt. Ảnh internet
Cụ thể, tối ngày 2/2/2023 vừa qua, anh Dũng cùng con trai đứng chờ thang máy tại chung cư Q7 riverside. Lúc này, con chó của anh Đ.T.V. (28 tuổi) không rọ mõm, đi từ thang máy ra và tiến lại gần con trai anh Dũng. Do lo sợ con trai bị tấn công, anh Dũng đã nhắc anh V. giữ con chó lại nhưng không được phản hồi, nên anh Dũng mới dùng chân đá con chó sang một bên. Ngay lập tức, anh V. dùng tay đánh mạnh vào mặt nạn nhân, khiến người này ngã sõng soài xuống đất. Theo đó, vụ việc hiện đang được Công an quận 7 (Công an TP.HCM) đang phối hợp cùng Công an phường Phú Thuậnlàm rõ, xử lý vụ hành hung người khác xảy ra tại chung cư Q7 Saigon Riverside.
Từ vụ việc nêu trên, cho thấy chó là người bạn thân thiết của con người, là động vật nuôi phổ biến ở nhiều gia đình hiện nay. Tuy nhiên, việc nuôi chó phải tuân thủ những quy định pháp luật để tránh ảnh hưởng đến trật tự công cộng, sức khỏe của những người xung quanh.
Lý giải vấn đề này, Tiến sỹ. Luật gia – Nhà báo Hồ Minh Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLPIE), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Giám đốc Chi nhánh số 1 (Trung tâm tư vấn pháp luật tại TP.HCM), đại diện Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống phía Nam cho rằng, vật nuôi là nguồn nguy hiểm cao độ, có thể gây ra thiệt hại cho người khác bất kỳ lúc nào. Do đó, khi vật nuôi gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì chủ vật nuôi phải bồi thường thiệt hại, nếu vi phạm về việc quản lý, nuôi nhốt mà gây hậu quả nghiêm trọng thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này, chủ vật nuôi không những quản lý mà còn hành hung người cha bảo vệ con sẽ phải đối mặt với hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng tới 3 năm.
Điển hình, ở trường hợp này người cha bảo vệ con trước con chó bị anh Đào Thế Vinh (28 tuổi, ngụ cùng chung cư) đánh bị thương với chẩn đoán bước đầu: Vết thương mí mắt trái, chấn thương mặt, mắt trái, gò má trái, phần mềm ngực trái, vỡ mảnh 1×2 milimet răng cửa hàm dưới trái. Đồng thời, tại cơ quan công an, anh Vinh xin lỗi nạn nhân, thừa nhận đã đánh anh Dũng vì xót con chó của mình.
Theo Điều 603 Bộ luật Dân sự cũng quy định, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội, Tiến sỹ Hồ Minh Sơn dẫn chứng luật.
Theo Tiến sỹ Hồ Minh Sơn cho biết, pháp luật quy định rất rõ ràng về bồi thường thiệt hại do súc vật, thú dữ gây ra. Kể cả trong trường hợp chủ sở hữu, người chiếm hữu, quản lý chủ nuôi không có lỗi thì vẫn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp thuộc trường hợp bất khả kháng hoặc lỗi hoàn toàn thuộc về nạn nhân. Trong khi đó, việc này được xử lý như thế nào, xử lý đến đâu, trước tiên phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại. Đồng thời, trong trường hợp người đàn ông bị thương tích có đơn đề nghị xử lý hình sự về tội Cố ý gây thương tích, đồng thời kết quả giám định thương tích cho thấy có tỷ lệ thương tích, thì dù thương tích dưới 11%, CQĐT vẫn có thể khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý người đàn ông này về tội Cố ý gây thương tích, theo quy định tại điều 134 BLHS, với tình tiết định khung là hành vi có tính chất côn đồ.
Cũng theo Tiến sỹ Hồ Minh Sơn cho rằng trong trường hợp bị xử lý hình sự, người đàn ông hành hung người khác sẽ phải đối mặt với hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng tới 3 năm. Ngoài ra, việc bị xử lý hình sự với chế tài có thể tới 3 năm tù, thì anh Vinh cũng sẽ bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với nạn nhân. Cụ thể, chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, thu nhập bị mất, bị giảm sút và bồi thường một khoản tiền tổn thất về tinh thần không quá 50 tháng lương cơ bản. Tương tự, người bị hại không có đơn đề nghị xử lý hoặc rút đơn, cơ quan chức năng cũng sẽ xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi vì nhiều lỗi, trong đó có lỗi thả rông vật nuôi và hành hung gây thương tích đối với người khác. Nếu người có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5-8 triệu đồng.
Tiến sỹ Hồ Minh Sơn cho biết quy định của pháp luật nêu rõ, người nuôi chó phải xích, nhốt, giữ trong khuôn viên của gia đình mình. Nếu đưa chó ra khỏi khuôn viên của gia đình phải đeo rọ mõm hoặc xích có người dắt, đảm bảo an toàn cho những người xung quanh. Nếu đưa chó ra nơi công cộng mà không có người dắt, không xích (thả rông) mà chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đến 2 triệu đồng. Mặt khác, không may con chó cắn cháu bé trên gây thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong, lúc này người chủ chó còn có thể bị xử lý hình sự về tội Vi phạm quy định về an toàn nơi đông người, theo điều 295 BLHS. Đặc biệt, hành vi trên của chủ vật nuôi có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý của nạn nhân. Với hành vi côn đồ trước mặt trẻ em như vậy là rất đáng trách, đáng lên án. Sự việc này sẽ tạo ra cú sốc tâm lý đối với cháu bé và đối với cha của cháu bé. Cùng với đó, sau khi sự việc xảy ra, người đàn ông này đã tỏ ra hối lỗi, xin lỗi người bị hại và không còn gì để bào chữa cho hành vi sai trái của mình, nhưng cần phải có mức xử lý đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
Pháp luật Việt Nam hiện hành không cấm người dân nuôi chó, nhiều người đã chọn các loại chó khác nhau, trong đó có cả chó dữ để làm thú cưng, nuôi trong khu dân cư. Pháp luật quy định quá trình nuôi chăm sóc chó phải đảm bảo an toàn, phải tuân thủ các quy định pháp luật để đảm bảo an toàn cho những người xung quanh, an toàn cho cộng đồng. Theo Quyết định 193/QĐ-TTg ban hành ngày 13/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ, để khống chế và loại trừ bệnh dại, quy định người nuôi chó phải quản lý chó nuôi, phải tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình, khi ra ngoài còn phải đeo rọ mõm cho chó, khi đưa chó ra nơi công cộng phải xích giữ chó hoặc có người dắt.
Tiến sỹ Hồ Minh Sơn cho biết thêm nếu để chó thả rông không có người dắt, không đeo rõ mõm dẫn đến chó cắn người thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định về đảm bảo an toàn nơi đông người, nếu hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gâyhậu quả chưa nghiêm trọng thì hành vi này cũng sẽ bị xử phạt hành chính và phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự. Khi chó cắn người mà hậu quả nạn nhân không tử vong, thương tích chưa nghiêm trọng thì người quản lý phải chủ vật nuôi sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 2, Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 04/2020/NĐ-CP, với mức phạt hành chính là phạt tiền 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Bên cạnh đó, phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự về thiệt hại do vật nuôi gây ra và thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm.
Trong trường hợp người nuôi chó không tuân thủ quy định dẫn đến chó cắn chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vô ý làm chết người” theo Điều 128 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt có thể đến 05 năm tù. Đối với trường hợp để chó thả rông nơi công cộng, nơi đông người dẫn đến hậu quả chó cắn người mà nạn nhân không chết nhưng thương tích từ 61% trở lên hoặc thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên thì chủ vật nuôi cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về an toàn nơi đông người” theo Điều 295 Bộ luật Hình sự với mức phạt là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Song song đó, nếu hành vi vô ý gây thương tích cho nạn nhân mà hậu quả thương tích của nạn nhân từ 31 % trở lên thì người có lỗi vô ý cũng có thể bị xử lý hình sự về tội “Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự.
Chắc chắn rằng, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý vật nuôi, đặc biệt là các loại chó dữ, nghiên cứu để ban hành các quy định nhằm cấm hoặc hạn chế những loại vật nuôi hung dữ nguy hiểm, đảm bảo an toàn cho cộng đồng và xã hội…Ở trường hợp trên, các cơ quan chức năng cần xử lý thật nghiêm để góp phần thay đổi ý thức của người dân trong việc nuôi dưỡng vật nuôi. Bởi vì, những năm gần đây, hiện tượng vật nuôi được thả rông nơi công cộng, không có các biện pháp ngăn ngừa bệnh dịch, gây mất an toàn giao thông, thậm chí tấn công gây thiệt hại sức khoẻ, tính mạng của người khác đang có xu hướng gia tăng, nhưng lại chỉ bị xử lý về mặt hành chính, nên không có tác dụng răn đe và làm thay đổi ý thức của công chúng là cần thiết.
Theo Trắc Long – Trần Danh/HNTTO