(PTTTO) – Liên tiếp những ngày qua, trên nhiều địa phương trong cả nước đã xảy ra nhiều vụ chống đối CSGT. Nguyên nhân đều do đối tượng coi thường pháp luật, sử dụng rượu bia, trốn tránh, né chốt, bỏ chạy, một số khác manh động, coi thường pháp luật tìm mọi cách để chống đối lại lực lượng làm nhiệm vụ.
Tài xế Cao Văn Lý điều khiển ôtô có nam Cảnh sát giao thông trên nắp capô đi hơn 2km sau khi bất tuân lệnh kiểm tra
Nói về điều này, Tiến sỹ. Luật gia – Nhà báo Hồ Minh Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLPIE), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Giám đốc Chi nhánh số 1 (Trung tâm tư vấn pháp luật tại TP.HCM), Đại diện Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống phía Nam cho rằng bất kỳ ai khi vi phạm đều phải được xử lý nghiêm trước pháp luật. Đối với những kẻ có hành vi chống đối người thi hành công vụ, phải xử lý nghiêm khắc, công khai theo đúng quy định của pháp luật. Điển hình, nếu luật hiện hành chưa đủ tính răn đe cần có đề xuất, nghiên cứu sửa đổi để luật phù hợp với tình hình thực tế.
Tiến sỹ Hồ Minh Sơn cho biết cần thay đổi cách tuyên truyền để luật đến với người dân một cách hiệu quả, thiết thực, để mỗi người thấy đây là trang bị thiết thân, không còn tình trạng điều khiển phương tiện một cách “hồn nhiên”, không có kiến thức về luật giao thông, hay hiện tượng nhờn luật, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để né tội, trốn tránh khi bị xử lý. Tuy nhiên, vẫn là sự nêu gương, nghiêm túc của những người thực thi pháp luật, để mọi người đều thấy mình được đối xử công bằng, minh bạch trước pháp luật, không có “vùng cấm” khi xử lý vi phạm. Tất cả mọi người dân khi được sống trong một xã hội cần phải thượng tôn pháp luật tình trạng chống người thi hành công vụ như trong thời gian vừa qua mới hy vọng được giảm thiểu.
Cụ thể, vào tối ngày 06/02/2023, Thiếu tá Trường cùng Tổ công tác Phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai làm nhiệm vụ tại QL4E, thuộc phường Nam Cường, TP Lào Cai đã phát hiện Kiều Văn Tâm (SN 1994, trú phường Pom Hán, TP Lào Cai) điều khiển xe máy đi tốc độ cao, có biểu hiện vi phạm pháp luật. Khi Thiếu tá Trường ra tín hiệu dừng phương tiện để kiểm tra, Tâm đã phóng xe, tông mạnh khiến Thiếu tá Trường bị hất lên cao rồi văng xuống đường, đa chấn thương, nứt hộp sọ. Những ngày này, Thiếu tá Quách Văn Trường, Đội phó Đội TTKS, Phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai vẫn đang được cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng nứt hộp sọ, đa chấn thương.
Tương tự, ngày 05/02/2023, Tổ CSGT Công an huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc khi làm nhiệm vụ đã ra hiệu lệnh dừng xe ô tô do ông Cao Văn Lý (65 tuổi, trú tại huyện Vĩnh Tường) điều khiển. Cao Văn Lý quay đầu xe bỏ chạy, khi bị cảnh sát chặn lại vẫn cố tình lái đi. Lúc này, 1 CSGT đang đứng ngay phía trước đầu xe phải bám nắp capo để tránh bị đâm. Cao Văn Lý bỏ chạy khoảng 2km thì tông 1 xe máy, nhưng vẫn không dừng lại, hất văng chiến sỹ CSGT xuống đường. Cả CSGT và người đi xe máy đều bị thương nặng.
Trong khi đó, tại tỉnh Tiền Giang – Thiếu tá Trần Hoàng Nghĩa, Phòng CSGT khi đang tuần tra trên QL1 bị Võ Nhựt Hùng (SN 1996) điều khiển xe máy tông thẳng vào. Thiếu tá Nghĩa ngã đập đầu xuống đường, tỷ lệ thương tật là 50%. Theo thống kê của Cục CSGT, năm 2022, cả nước đã xảy ra 26 vụ chống người thi hành công vụ, làm 10 chiến sĩ CSGT bị thương.
Có thể thấy, các vụ chống đối, tấn công, cố ý gây thương tích với CSGT hiện đang có dấu hiệu gia tăng sự liều lĩnh, manh động. Các đối tượng chỉ cần CSGT ra tín hiệu dừng xe, chưa tiếp xúc với CSGT, chưa biết mình vi phạm gì…đã tăng ga, lao thẳng xe khiến CSGT bị thương.
Chia sẻ về điều này, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa cho. hay, những hành vi tài xế tấn công lực lượng CSGT vừa qua là hết sức manh động, đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ. Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà, nhấn mạnh: “Nếu đủ yếu tố cấu thành thì cần xem xét tội giết người. Tôi rất đau xót khi xem những clip CSGT bị người vi phạm nồng độ cồn tông trực diện, khiến CSGT phải bám trên nắp capo như thời gian vừa qua”. Đồng thời, ngoài xử lý hình sự thì rất cần thiết nghiên cứu để ban hành quy định tước vĩnh viễn GPLX của những đối tượng này, tạo sự răn đe.
Cũng theo Tiến sỹ Hồ Minh Sơn khuyến nghị, hành vi lái xe chống đối, không tuân thủ hiệu lệnh của người thi hành công vụ khi tham gia giao thông cần xử lý thật đích đáng mới đủ giáo dục, răn đe. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 123, Bộ luật Hình sự, hình phạt có thể áp dụng cao nhất là tử hình, “Nếu hành vi chống người thi hành công vụ gây thương tích hoặc dẫn đến hậu quả tước đoạt tính mạng của người thi hành công vụ thì người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Cố ý gây thương tích” hoặc tội “Giết người”. Khi bị xử lý về tội “Giết người”, Tiến sỹ Sơn khuyến cáo người dân cần chấp hành hiệu lệnh của CSGT để không có nguy cơ phải vướng vòng lao lý.
Tương tự, Bộ luật Hình sự, tội chống người thi hành công vụ với 3 mức hình phạt là: Cải tạo không giam giữ đến 3 năm; phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm hoặc phạt tù từ 2 – 7 năm tùy theo tính chất và mức độ vi phạm. Có thể thấy tính chất nguy hiểm của hành vi này gây ra trong thời gian vừa qua thì mức hình phạt trên còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Phương tiện giao thông là nguồn nguy hiểm cao độ, đối với nhiều quốc gia, tài xế chỉ vi phạm nồng độ cồn quá mức quy định thì đã phải đối diện với án tù rồi. Vì vậy, những đối tượng cố tình dùng xe tông thẳng vào lực lượng CSGT cần phải xem xét tội giết người”, Tiến sỹ – Luật gia Hồ Minh Sơn nêu quan điểm, ngoài việc xử lý hình sự, chế tài tước vĩnh viễn GPLX đối với những đối tượng này cùng rất cần thiết, để họ không có cơ hội tái phạm.
Dịp này, Tiến sỹ Hồ Minh Sơn cũng cho biết có ý kiến cho rằng CSGT làm sai hay gây bức xúc thì người vi phạm mới tấn công CSGT. Thế nhưng, nếu CSGT sai, người vi phạm có quyền khiếu nại quyết định hành chính của CSGT, thậm chí khởi kiện ra tòa, nhưng không có quyền chống lại lực lượng làm nhiệm vụ. Cùng với đó, mức phạt đối với hành vi chống đối, tấn công người thực thi công vụ còn thấp, hiện phải cần phải tăng nặng để răn đe. Đồng thời, cần tăng cường quyền cho CSGT, như ở nhiều nước, khi CSGT dừng xe, nếu người vi phạm không chấp hành, CSGT có thể dùng súng bắn đạn cao su.
Theo Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi môi giới, giúp sức cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ phạt tiền từ 1.000.000 – 4.000.000 đồng; Phạt tiền từ 4.000.000 – 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ; Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; Phạt tiền từ 6.000.000 – 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ; Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ; Đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ, Tiến sỹ Hồ Minh Sơn dẫn chứng.
Theo Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về hình thức xử phạt đối với hành vi chống đối cảnh sát giao thông như sau: Điều 330. Tội chống người thi hành công vụ: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm, Tiến sỹ Hồ Minh Sơn dẫn chứng điều luật. Như vậy, nếu bạn có hành vi dùng vũ lực; đe dọa dùng vũ lực… gây cản trở cảnh sát giao thông, tức là bạn đã phạm tội chống đối người thi hành công vụ. Bạn sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm tuỳ theo từng mức độ. Bên cạnh đó, nếu bạn phạm tội mà còn thực hiện các hành vi sau đây thì còn bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm.
Dịp này, Tiến sỹ Hồ Minh Sơn nhấn mạnh: “Trong trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ nếu gây thương tích hoặc làm chết người thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Chương XIV Bộ luật Hình sự, trong đó quy định rõ các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người. Với cá nhân có hành vi cản trở dùng lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ phải áp dụng biện pháp buộc xin lỗi công khai theo quy định tại khoản 2 và 3 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Tin rằng, việc phòng ngừa tác hại rượu bia hiệu quả ngoài chế tài xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm, cần xây dựng và thực hiện đồng bộ chính sách hiệu quả, gồm kiểm soát sự sẵn có của rượu bia, giờ bán, điểm bán kiểm soát chặt cấp phép bán lẻ. Song song đó, cần xem xét tăng giá và kiểm soát nghiêm ngặt rượu bia lậu; các loại quảng cáo, khuyến mại và tài trợ.
Theo Văn Hải – Công Danh/HNTTO