(PTTTO) – Trong thời gian gần đây, Cục Cảnh sát Hình sự – Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố đã tăng cường triệt phá các ổ nhóm “tín dụng đen” núp bóng công ty tài chính, công ty thu mua bán nợ. Qua điều tra, các băng nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động với vỏ bọc là công ty mua bán nợ, đòi nợ thuê với quy mô lớn, có sự tham gia của nhiều đối tượng hoạt động theo băng nhóm, câu kết chặt chẽ, phân công chức năng nhiệm vụ cho từng bộ phận…
Lực lượng chức năng khám xét trụ sở Công ty luật TNHH Pháp Việt
Tiến sĩ. Nhà báo – Luật gia Hồ Minh Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm, Đại diện phía Nam Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống dẫn chứng luật theo Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015, có nêu: Cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản(Hành vi này có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm); Hành vi Cưỡng đoạt tài sản bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm trong trường hợp phạm tội: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ(Hành vi Cưỡng đoạt tài sản bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm trong trường hợp phạm tội): Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội (Hành vi cưỡng đoạt tài sản bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm): Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Theo Tiến sĩ Hồ Minh Sơn cho biết tại Điều 15 Bộ Luật Hình sự 2015 về phạm tội chưa đạt: Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội; Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt. Do đó, với hành vi gọi điện đe dọa ép buộc người khác trả một khoản nợ (không phải của mình) có thể cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản với mức phạt lên đến 20 năm tù.
Cụ thể, vào cuối tháng 2/2023, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) và các lực lượng nghiệp vụ của Công an TP.HCM thi hành lệnh khám xét khẩn cấp tại các công ty trên địa bàn TP.HCM và triệu tập 102 đối tượng đến trụ sở để đấu tranh, làm rõ.Quá trình khám xét, lực lượng chức năng thu giữ gần 600 triệu đồng, 101 máy tính, 216 điện thoại và nhiều thùng tài liệu liên quan. Kết quả trích xuất dữ liệu thể hiện: Từ ngày 2/7/2018 đến hết năm 2022, các công ty trên đã thu mua hơn 335.600 hợp đồng vay tiền của khách có tổng dư nợ trên 3.000 tỷ đồng. Sau đó, họ đã đòi được trên 500 tỷ đồng.
Như vậy, hình thức đòi nợ rất đa dạng, từ việc liên tục gọi điện chửi bới, thúc ép người vay tiền, đến việc cắt ghép hình ảnh của con nợ và gia đình, dùng tài khoản mạng xã hội đăng tải các thông tin bôi nhọ. Cá biệt có những trường hợp mang bình gas, quan tài, ném dầu luyn trộn sơn vào nhà để dọa nạn nhân…Hiện nay, các cơ quan chức. năng đã khởi tố, tạm giam 31 đối tượng về hành vi Cưỡng đoạt tài sản. Các đối tượng còn lại cơ quan Công an đang tiếp tục phân loại để có hướng xử lý. Trong số đó, có những nhân vật cầm đầu đường dây đòi nợ kiểu “khủng bố tinh thần” như: Trần Văn Châu (43 tuổi), Hồ Quốc Hùng (36 tuổi, đều là Phó giám đốc Công ty luật TNHH Pháp Việt), Trần Hồng Tiến (49 tuổi, Giám đốc điều hành chuỗi công ty dịch vụ tài chính)…
Cũng theo Tiến sĩ Hồ Minh Sơn dẫn chứng theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (được thay thế bởiđiểm e khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), có quy định: Hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác sẽ bị cấu thành tội làm nhục người khác; Mức xử phạt: bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Tội làm nhục người khác trong các trường hợp sau đây bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm :Phạm tội 02 lần trở lên; Đối với 02 người trở lên; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với người đang thi hành công vụ; Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. Qua đó, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Làm nạn nhân tự sát. Do vậy, sử dụng mạng xã hội khủng bố nhằm mục đích xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác có thể bị cấu thành tội làm nhục người khác, tùy theo mức độ nghiệm trọng sẽ bị xử phạt đến 05 năm tù giam.
Tương tự, lực lượng chức năng đã tiến hành khám xét hàng loạt trụ sở của công ty F88 tại TP.HCM. F88 là công ty chuyên cho vay với quy mô lớn. Thời gian qua, các nhân viên thu hồi nợ đã có dấu hiệu đe dọa người vay, do đó công ty này đang bị điều tra về hành vi Cưỡng đoạt tài sản. Theo thông tin từ Cục Cảnh sát Hình sự (C02) – Bộ Công an cho hay, dù tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen đã được kiềm chế song vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt là sau thời gian dịch Covid-19, người dân gặp nhiều khó khăn về tài chính, cần nhiều vốn để phục hồi sản xuất và trang trải sinh hoạt. Các đối tượng hoạt động cho vay lợi dụng tình trạng này để tiếp cận, mời chào các gói vay không cần thế chấp tài sản. Nhằm đối phó với cơ quan chức năng, biến tướng của “tín dụng đen” đã trở thành các app trên không gian mạng. Đã xuất hiện nhiều ứng dụng, website giả, sử dụng tên gọi, logo, giao diện… giống hoặc gần giống các ứng dụng của ngân hàng chính thống, ứng dụng không rõ nguồn gốc do đơn vị chủ quản là người nước ngoài để hoạt động cho vay nặng lãi.
Nói về điều này, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn tiếp tục dẫn chứng theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính Phủ có quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, điển hình: Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin, (Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau): Truy nhập, sử dụng, tiết lộ, làm gián đoạn, sửa đổi, phá hoại trái phép thông tin, hệ thống thông tin; Không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc truy nhập thông tin hoặc loại bỏ thông tin trái pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi truyền đưa hoặc cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số; Không thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định danh sách chủ sở hữu thuê chỗ lưu trữ thông tin số; Không bảo đảm bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân thuê chỗ lưu trữ thông tin số trừ các trường hợp cung cấp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Không thực hiện các biện pháp quản lý, kỹ thuật cần thiết để bảo đảm thông tin cá nhân không bị mất, đánh cắp, tiết lộ, thay đổi hoặc phá hủy khi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng; Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm quảng cáo, tuyên truyền hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bị cấm; Ngăn chặn trái pháp luật việc truyền tải thông tin trên mạng, can thiệp, truy nhập, gây nguy hại, xóa, thay đổi, sao chép và làm sai lệch thông tin trên mạng; Không tiến hành theo dõi, giám sát thông tin số của tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Không hợp tác, phối hợp điều tra các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong quá trình truyền đưa hoặc lưu trữ thông tin số của tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa trên mạng dưới bất kỳ hình thức nào; Cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa trên mạng;Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật; Thu giữ thư, điện báo, điện tín trái pháp luật. Hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác có thể bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.
Cũng theo quy định của pháp luật, Luật Đầu tư năm 2020 đưa ngành nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục cấm. Đồng thời, hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ được ký kết trước ngày 1/1/2021 phải thanh lý; doanh nghiệp đang được cấp phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ ở thời điểm đó có thể giải thể hoặc phải chuyển đổi sang ngành nghề khác. Có thể thấy, bất cứ doanh nghiệp, đơn vị nào mượn danh nghĩa công ty bảo vệ – tư vấn luật, mua bán nợ, ủy quyền đòi nợ, sử dụng nhân viên đòi nợ liên kết với doanh nghiệp, cơ sở cho vay… đều vi phạm pháp luật.
Chia sẻ về những hành vi đòi nợ kiểu “khủng bố tinh thần” đã bị cơ quan chức năng xử lý, hầu hết đều bị khởi tố về tội cưỡng đoạt tài sản. Tiến sĩ Hồ Minh Sơn cho rằng: Cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Cơ bản của tội cưỡng đoạt tài sản là người phạm tội có hành vi uy hiếp tinh thần của người chủ tài sản. Bằng những thủ đoạn đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác, làm cho người có trách nhiệm về tài sản lo sợ mà phải giao tài sản. Do “chiếm đoạt” chỉ được quy định là mục đích nên việc xác định thời điểm phạm tội hoàn thành của tội cưỡng đoạt tài sản chỉ phụ thuộc vào việc chủ thể đã thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc hành vi uy hiếp tinh thần được mô tả trong điều luật đã nêu ở trên mà không phụ thuộc vào việc chủ thể đã thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản hay chưa. Thì chỉ cần người có hành vi đã thực hiện việc đe dọa, uy hiếp bị hại nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì đã có thể bị truy tố về tội cưỡng đoạt tài sản.
Đối với những hiện tượng biến tướng này, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn khẳng định, bên cạnh việc gây khó khăn, phức tạp cho công tác quản lý Nhà nước, còn ảnh hưởng rất tiêu cực đến hình ảnh và uy tín của đội ngũ luật sư, luật gia và nghề luật sư, các trung tâm tư vấn pháp luật cũng như khiến cho các hình thức đòi nợ thuê trái pháp luật vẫn còn đất sống, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật, tự an toàn xã hội, gây bức xúc trong xã hội. Mong rằng, các cơ quan chức năng cần sớm có những biện pháp về cả mặt lập pháp, hoàn thiện các quy định pháp lý và siết chặt công tác quản lý, để vừa ngăn chặn, sớm loại bỏ. Đặc biệt, xử lý nghiêm minh các hiện tượng biến tướng, “lách luật” rất tinh vi như những Cty vừa bị các ngành chức năng khởi tố nêu trên.
Theo Văn Hải – Trần Danh/HNTTO