(PTTTO) – Theo Tổng cục Thuế, để quản lý thuế một cách có hiệu quả đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản (BĐS), ngoài quy định về quản lý thuế cần có quy định đồng bộ của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS. Thực tế cho thấy, việc triển khai các biện pháp chống thất thu thuế đối với lĩnh vực này gặp rất nhiều khó khăn nhưng nếu làm quyết liệt thì sẽ tạo ra được nguồn thu khá lớn cho ngân sách.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Thiếu đồng bộ trong quản lý hoạt động chuyển nhượng bất động sản
Tổng cục Thuế cho biết, hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động chuyển nhượng BĐS của các bộ, ngành chưa đồng bộ; dữ liệu về đất đai của các cơ quan quản lý Nhà nước chưa được xây dựng thống nhất, liên thông để trao đổi phục vụ quản lý thông tin liên quan đến đất.
Đặc biệt, đối với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định cơ chế kiểm soát dòng tiền đối với các giao dịch chuyển nhượng BĐS… Điều này dẫn đến cơ quan thuế gặp khó khăn trong quản lý thuế với các giao dịch BĐS.
Thực tế hiện nay, đối với việc xử lý hành vi vi phạm của người nộp thuế theo quy định pháp luật về thuế, người nộp thuế kê khai, nộp thuế không đúng với giá thực tế chuyển nhượng thì cơ quan thuế có quyền ấn định thuế.
Tuy vậy, cơ quan thuế lại không có chức năng điều tra nên việc thu thập thông tin làm căn cứ ấn định thuế gặp nhiều khó khăn. Việc ấn định thuế được thực hiện có hiệu quả chỉ trong trường hợp cơ quan có liên quan là Công an điều tra, Thanh tra kiểm tra… thu thập đủ chứng cứ chứng minh giao dịch mua bán thực tế, phát hiện kết luận hành vi gian lận, trốn thuế thì mới đủ căn cứ để cơ quan thuế ấn định thuế…
Ví dụ, quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thực hiện theo Điều 6 Thông tư liên tịch số 88/2016/TTLT/BTC-BTNMT ngày 22/6/2016 của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên Môi trường. Hồ sơ được tiếp nhận từ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai các quận, huyện và xử lý qua Cổng dịch vụ Công của các tỉnh, thành phố và có quy định về thời hạn liên thông giải quyết thủ tục hành chính đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS đối với cơ quan thuế là 05 ngày làm việc. Văn phòng đăng ký đất đai chuyển hồ sơ đến cơ quan thuế thường sát ngày hẹn trả kết quả hoặc chậm dẫn đến áp lực về thời gian trả kết quả xác định nghĩa vụ tài chính về đất…
Cùng “vào cuộc” kiểm soát hoạt động chuyển nhượng BĐS
Theo Tổng cục Thuế, để quản lý một cách có hiệu quả đối với hoạt động mua bán nhà đất, ngoài quy định về quản lý thuế cần có quy định đồng bộ của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS và phối hợp của các cơ quan ban ngành có liên quan.
Thực tế cho thấy, việc triển khai các biện pháp chống thất thu thuế đối với lĩnh vực này gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu làm quyết liệt thì sẽ tạo ra được nguồn thu ngân sách khá lớn cho Nhà nước.
Đầu năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký công văn gửi Bộ Công an, Bộ Tư pháp và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phối hợp nhằm chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS và hướng dẫn người dân, doanh nghiệp kê khai đúng giá chuyển nhượng BĐS, nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.
Để kịp thời phối hợp với các bộ, ngành trong việc chống thất thu thuế trong hoạt động chuyển nhượng BĐS, ngày 22/02/2022, Bộ Tư pháp ban hành Công văn số 489/BTP-BTTP hướng dẫn một số nội dung về việc chống chất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS.
Bộ Tư pháp đề nghị Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam chỉ đạo và có cơ chế giám sát các Hội công chứng viên trong việc yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án BĐS, doanh nghiệp kinh doanh, chuyển nhượng BĐS kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán, để làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật, tránh thất thu ngân sách nhà nước.
Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, quán triệt các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện nghiêm túc các quy định về trình tự, thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch; hướng dẫn người yêu cầu công chứng kê đúng giá thực tế mua bán để làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, phối hợp với Cục Thuế, Công an tỉnh và các cơ quan liên quan tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra hoạt động công chứng tại địa phương nói chung và việc công chứng các hợp đồng, giao dịch về BĐS nói riêng. Có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý hành vi trốn thuế trong chuyển nhượng, kinh doanh BĐS (nếu có)…
Mới đây, nhằm tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh BĐS, phối hợp có hiệu quả trong các cơ quan quản lý, chống thất thu thuế, đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước, UBND TP. Hải Phòng đã ban hành văn bản đề nghị các sở, ngành, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể.
Theo đó, UBND TP. Hải Phòng yêu cầu Cục thuế Thành phố phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS để người dân, doanh nghiệp được biết để kê khai trung thực, đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế. Nội dung tuyên truyền, phổ biến tập trung vào các hành vi ghi giá trị cho thuê, mua bán, chuyển nhượng trong hợp đồng thấp hơn giá thực tế thanh toán là hành vi trốn thuế sẽ bị xử lý vi phạm về hành vi trốn thuế theo quy định pháp luật.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS, phát hiện các hành vi gian lận, khai sai giá trị thực tế tài sản để trốn thuế để xử lý theo quy định; chuyển hồ sơ đến cơ quan công an điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự các trường hợp có dấu hiệu trốn thuế lớn.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý đất đai, BĐS, văn phòng đăng ký đất đai, chính quyền địa phương nơi sở tại kiểm tra, xác minh các hợp đồng có dấu hiệu rủi ro về thuế, không ghi nhận, không phù hợp về hồ sơ, giá trị tài sản giao dịch để xử lý; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp quản lý, chống thất thu ngân sách nhà nước từ hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS.
Việt Dũng
Chủ động “nhập cuộc” chống thất thu thuế trong chuyển nhượng bất động sản