(PTTTO) – TS. Mạc Quốc Anh (Ảnh), Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển doanh nghiệp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng để vươn lên trong khó khăn, nhưng những doanh nghiệp còn trụ lại được đều cần được kích thích phục hồi nên các chính sách hỗ trợ cần phù hợp hơn.
Ông đánh giá như thế nào về đà phục hồi của các doanh nghiệp trong những tháng đầu năm 2022?
– Năm 2021, dịch bệnh đã thực sự khiến doanh nghiệp “ngấm đòn”, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh hoặc bị tạm ngừng hoạt động.
Nhưng năm nay đã khác, dịch bệnh vẫn tiếp diễn nhưng nền kinh tế đã mở cửa trở lại với các gói hỗ trợ thiết thực từ Chính phủ, với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và bằng nỗ lực của mình, các doanh nghiệp cũng đã chủ động hơn, tìm được cách thích ứng, vừa làm vừa tính toán để dần phục hồi. Trước đây, nhiều doanh nghiệp có thói quen sản xuất xong để dự phòng, đến mùa thì bán sản phẩm ra thị trường, nhưng bây giờ thì khác, một số sản xuất cầm chừng, số khác chuyển sang ngành nghề khác phù hợp hơn. Ngoài ra, để tiết giảm chi phí, họ phải tính toán để nhân sự vừa phải, đẩy mạnh chuyển đổi số để bán hàng trực tuyến, thanh toán online, làm việc tại nhà, gặp gỡ đối tác trực tuyến… Nhiều doanh nghiệp cũng đã nhanh chóng thích ứng, linh hoạt chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, đầu tư về công nghệ để chuyển dịch cơ cấu sản phẩm.
Qua đó, doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất mà giảm thiểu được chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, xuất khẩu sản phẩm sang thị trường mới. Có thể nói, càng trong khó khăn, các doanh nhân, doanh nghiệp càng nêu cao tinh thần trách nhiệm xã hội, phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng vượt qua thách thức.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít doanh nghiệp rời bỏ thị trường, theo ông, đâu là nguyên nhân?
– Số liệu thống kê cho thấy, trong quý 1/2022, bình quân mỗi tháng vẫn có khoảng 17,1 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đây thực sự là điều đáng tiếc. Nhưng cũng không hẳn, bởi rất nhiều trong số này chỉ tạm thời nghỉ kinh doanh để chuyển sang ngành nghề khác. Những người chủ doanh nghiệp này chỉ đóng cửa để chuyển từ ngành nghề này sang ngành nghề khác cho phù hợp hơn. Bối cảnh dịch bệnh và nhiều khó khăn hiện nay lại chính là điều kiện tốt để các doanh nghiệp “tĩnh tâm”, tái cơ cấu sản xuất. Hơn nữa, theo tôi, những doanh nhân khi đã theo nghề kinh doanh sẽ rất đam mê, họ sẽ không bỏ cuộc mà sẽ tiếp tục tìm mọi cách để xây dựng sự nghiệp, tạo việc làm, đóng góp cho xã hội.
Doanh nghiệp quyết tâm là thế, nhưng khó khăn từ bối cảnh kinh tế bên ngoài vẫn luôn tiếp diễn và đầy bất ngờ. Điều này sẽ tác động như thế nào tới các doanh nghiệp, thưa ông?
– Nhiều doanh nghiệp phục hồi nhưng vẫn còn không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn. Tổng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng cũng giảm theo. Trong khi đó, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào, làm đội chi phí giá thành sản xuất. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng.
Do tác động của dịch bệnh tới xã hội, cũng như tác động từ những xung đột chính trị, thương mại trên toàn cầu, hoạt động sản xuất kinh doanh cần hướng tới những phân khúc rõ ràng trong thời kỳ mới. Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng cần liên kết mạnh mẽ với nhau thông qua các hiệp hội, tổ chức ngành nghề để cùng tìm kiếm cơ hội kinh doanh, xúc tiến thương mại, trao đổi hàng hóa, kiến nghị các chính sách còn khó khăn… Các doanh nghiệp cần phải tìm cách thích ứng, năng động hơn trong khó khăn, nhưng đồng thời cũng phải có sự trợ giúp từ phía các cơ quan quản lý. Những doanh nghiệp còn trụ lại được đều cần được kích thích phục hồi.
Xin ông nói rõ hơn về những sự trợ giúp từ Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp?
– Trong bối cảnh dịch Covid-19, Chính phủ đã có phản ứng rất nhanh nhạy, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất, giảm tiền điện, giá điện… Các chính sách này đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với doanh nghiệp, nhất là cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chẳng hạn, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng sẽ kích thích đầu tư và kinh doanh, bởi các nguyên liệu đầu vào cũng có thể được giảm trực tiếp giúp tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Hơn nữa, giảm thuế cũng được xem như đòn bẩy kích cầu tiêu dùng của cả xã hội, từ đó tạo thêm cơ hội sản xuất, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, qua khảo sát của hiệp hội, nhiều chính sách hỗ trợ được đánh giá hữu ích nhưng còn khoảng cách khá xa từ chủ trương đến triển khai thực tế. Nên theo tôi, các chính sách khi ban hành nên tính toán dài hơi, không nên thay đổi nhiều và phải đi vào thực tế một cách hiệu quả với doanh nghiệp. Việc hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp cần ưu tiên những ngành, lĩnh vực đóng vai trò dẫn dắt để không bị đứt chuỗi giá trị cung ứng như: ngành lương thực, thực phẩm, công nghiệp nhẹ, công nghệ thông tin. Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp luôn mong muốn môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện theo hướng cắt giảm các điều kiện không cần thiết, minh bạch hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết đặt mục tiêu phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%; tối thiểu có 5 đến 10 sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết đưa ra là phát triển lực lượng doanh nghiệp; thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. |
Hương Dịu