(PTTTO) – Nghệ sỹ Lê Duy sinh ra và lớn lên trên đất Sen Hồng (Đồng Tháp), ngay từ nhỏ đã hun đúc đeo đuổi môn nghệ thuật truyền thống cải lương với quyết tâm giữ nghề và truyền lửa cho thế hệ kế thừa.
Nghệ sĩ Lê Duy tên thật là Lê Vũ Anh Duy, là con út trong gia đình thuần nông ở xã Phú Ninh, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp năm nay vừa tròn 30 tuổi. Tuy gia đình anh không có truyền thống tham gia sân khấu cải lương nhưng cả nhà ai cũng đam mê. Có lẽ cải lương đã ngấm từ từ vào Duy từ nhỏ.
Nghệ sỹ Lê Duy (ở giữa) trong một vai diễn cùng các đồng nghiệp ở nhà hát Tây Đô.
Chia sẻ với chúng tôi Lê Duy cho hay, hồi còn nhỏ, chương trình ti vi có lịch phát cải lương vào mỗitối cuối tuần, cả nhà đều có mặt đông đủ và quây quần bên ti vi chờ tới giờ phát cải lương để cùng xem. Trong đó, có những vỡ cải lương được gia đình xem đi xem lại nhiều lần mà vẫn thích, dần dần cũng ngấm dần vào Duy tựa lúc nào không hay biết.
Theo Lê Duy hoài niệm, sau khi tốt nghiệp lớp 12 vào năm 2010, khi đó gia đình không ủng hộ nhưng Duy quyết định thi vào trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Cần Thơ. Mặc dù, xa nhà lần đầu tiênnhưng với niềm đam mê Duy đã quyết tâm theo học. Thế nhưng, mỗi khi đi học hễ có sân chơi hay có các cuộc thi đờn ca tài tử anh đều muốn tham gia để vừa thử sức vừa học hỏi lại có cơ hội để cọ sát. Trải qua 2 năm đi học, ở quê nhà Tam Nông tổ chức cuộc thi đờn ca tài tử vào năm 2012, Duy đã xuất sắc giành giải A. Sau đó, Lê Duy tham dự cuộc thi “Tiếng hát truyền hình tỉnh Kiên Giang” và đạt giải khuyến khích với bài vọng cổ “Ngàn năm thương nhớ Trường Sa” của tác giả Nguyễn Văn Bớt.
Lê Duy luôn thể hiện tốt khi nhập vai
Được biết, vào tháng 11/2013 – khi đó đã học xong, Lê Duy với vai trò là cộng tác viên đã tham gia cùng đoàn nghệ thuật TP Cần Thơ, dự liên hoan tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông tại tỉnh Đồng Tháp. Tại cuộc liên hoan này, Lê Duy đã xuất sắc vượt qua nhiều giọng hát của các nghệ sĩ chuyên nghiệp khác trong khu vực để đạt huy chương bạc với bài vọng cổ “Về miền Tây em nhé” của tác giả Nguyễn Hoài Vân. Nghệ sỹ Lê Duy cho rằng, giải thưởng này như là một bước đệm quan trọng cho việc định hướng con đường nghệ thuật. Đồng thời, xây dựng hình ảnh riêng mình trong lòng khán giả.
Mỗi khi Lê Duy thủ vai nhân vật nào thì như tái hiện lại rất sống động.
Đặc biệt, ở một giải thưởng tìm kiếm tài năng cho nghệ thuật sân khấu cải lương rất quan trọng Trần Hữu Trang, Lê Duy đã giành huy chương vàng. Từ đó, làm thay đổi hoàn toàn sự nghiệp và niềm đam mê của anh từ một thanh niên không có tên tuổi, cũng chưa nằm trong đoàn nghệ thuật cải lương nàoluôn được khán giả mộ điệu cả nước nhất là tại các tỉnh ĐBSCL luôn dành tình cảm rất riêng.
Theo Lê Duy hồi tưởng, vào tháng 4 năm 2014, ngay khi nghe về cuộc thi tìm kiếm tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang, Lê Duy mạnh dạn đăng ký thi. Thời điểm đó, rất nhiều người ngăn cản và bàn ra tán vào cho rằng Lê Duy chưa đủ tầm và cũng không phải thành viên của một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp nào khó mà “làm nên chuyện”. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực không ngừng, vớikhả năng thiên bẩm của mình Duy đã xuất sắc bước qua từng vòng thi. Hầu hết các giám khảo lẫn người mộ điệu đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Cũng theo Lê Duy cho hay, giám khảo và người mộ điệu “sướng” nhất là vai diễn Lê Tư Thành trong “Đêm trước giờ hoàng đạo” ở vòng chung kết xếp hạng kết quả Lê Duy được trao Huy chương Vàng. Sau khi xuất sắc giành huy chương vàng Trần Hữu Trang, Duy đã chọn đoàn Cải lương Tây Đô làm “bến đỗ” cho sự nghiệp của mình.
Chia sẻ với chúng tôi, nghệ sỹ Lê Duy, nhấn mạnh: “Không thể quên công sức của nghệ sĩ Thạch Sỹ Long, người dìu dắt tôi từ những ngày chân ướt chân ráo. Trong tâm khảm tôi luôn in rõ hình ảnh hai thầy trò dắt díu nhau đi thi ở Cần Thơ rồi xuống Bạc Liêu. Trong khi đó, các nghệ sĩ khác có đơn vị, đồng nghiệp và “fan hâm mộ” theo sát thì thầy trò tôi thui thủi. Nghệ sĩ Thạch Sỹ Long người thầy giúp đỡ Lê Duy rất nhiều trên con đường sân khấu cải lương.
Dịp này, nghệ sỹ Lê Duy ôn lại, nghệ sĩ Thạch Sỹ Long là bậc thầy về vũ đạo sân khấu. Do vậy, Lê Duy đã lĩnh hội rất nhanh. Trong từng bước tấn, lắc vai, múa kiếm, cầm bút…anh được chuyển hóa từ lời dạy của thầy vào các vai diễn. Mỗi lần ai hỏi tới người thầy của Lê Duy, vẫn câu nói đầy biết ơn mà Duy dành cho người thầy của mình: “Em ơn Thầy nhiều lắm!”.
Có thể thấy, khi gia nhập Đoàn Cải lương Tây Đô, Lê Duy từng bước trưởng thành vì được cọ sát ở nhiều cuộc thi chuyên nghiệp, nhiều nghệ sĩ giỏi nghề, từng bước chinh phục những nấc thang thành công của cải lương. Điển hình, Huy chương Vàng tại cuộc thi Tài năng trẻ sân khấu cải lương và dân ca kịch toàn quốc 2017 với vai Trần Thặng trong trích đoạn “Kẻ sĩ Thăng Long”. Cùng với đó, thành công của Đoàn Cải lương Tây Đô tại các kỳ Liên hoan Cải lương, vở diễn…đều có sự đóng góp đáng kể của Lê Duy. Người mộ điệu nhớ đến Lê Duy qua những nhân vật như Vua Tự Đức trong “Cánh buồm ngược gió”, anh bộ đội trong “Bông mận trắng”, Trần Thái Tông trong “Mệnh đế vương”, hay mới nhất là vai Hậu trong vở “Những nốt nhạc đời”…
Mặt khác, Lê Duy vẫn luôn quan niệm rằng, đã đứng trên sân khấu, dù diễn vai chính hay vai phụ, thậm chí vai quần chúng, chạy bận…đều phải diễn hết mình, hóa thân thành nhân vật. “Chỉ khi mình tin mình là nhân vật thì mới khơi nguồn cảm xúc và sự rung cảm nơi khán giả”- Lê Duy chia sẻ.
Một vai diễn của Lê Duy.
Với nét dung dị của một người con đất Sen Hồng giữa đời thường. Nhưng khi trở lại với vai diễn Lê Duy như hoàn toàn khác, nhập vai với từng nhân vật. Với Lê Duy học hỏi chưa bao giờ là đủ, lúc nào cũng tâm niệm rằng, con đường chinh phục sân khấu cải lương còn dài và nhiều khó khăn. Lê Duy luôn thể hiện sự thân ái, nhiệt tình và nhất là khiêm nhường, chịu khó học hỏi của các bậc đàn anh, chị luôn khiến mọi người thương mến.
Hiện nay, Lê Duy đã trở thành gương mặt quen thuộc với người yêu nghệ thuật cải lương Nam bộ ở các trích đoạn ca cảnh, bài vọng cổ trên VTV, HTV, THVL…cùng nhiều đài phát thanh truyền hình địa phương của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Lê Duy sánh vai cùng đồng nghiệp tại nhà hát Tây Đô.
Để theo đuổi lửa nghề, Lê Duy cũng đối mặt với nhiều khó khăn nhưng chàng kép ấy vẫn vững niềm tin nghệ thuật truyền thống mãi có chỗ đứng trong lòng khán giả. Theo Nghệ sĩ trẻ Lê Duy cho rằng: Điều mong muốn lớn nhất của anh trong thời gian tới là đưa được nghệ thuật cải lương truyền thống đi lên bằng hết khả năng mà mình có cũng như có thể truyền được ngọn lửa đam mê cho các bạn trẻ. Ngoài truyền tải thông điệp của mình qua từng vai diễn Lê Duy còn tranh thủ học thêm, năm sau sẽ tốt nghiệp Đại học lớp Đạo diễn sân khấu của Trường Đại học sân khấu điện ảnh TP Hồ Chí Minh.
Ông bà ta thường bảo, “xây nhà thì móng phải vững”. Học không bao giờ thừa vừa để nâng cao trình độ, kỹ năng vừa phát triển bản thân hơn nữa, thỏa niềm đam mê và cố gắng làm tốt nhiệm vụ của thế hệ trẻ kế thừa sân khấu cải lương.
Theo Minh Sơn/Huongnghiepthitruong.vn