(PTTTO) – Nhận lời mời từ Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống (Cơ quan đại diện phía Nam) đi sáng tác ở tỉnh Bình Phước có chủ đề: “Bình Phước,đất&người – Tiềm năng, triển vọng”. Rất nhiều ngày phải trăn trở, hồi hộp, bởi tôi nghe rất nhiều về chuyện đi sáng tác…Nhưng, đây là lần đần tiên chúng tôi được tham gia, nhất là được đi cùng với các Tiến sĩ, nhạc sĩ, đạo diễn, hoa hậu, DVĐA, biên kịch, nhà báo, nhà thơ. Đặc biệt, với nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh “lão làng”…nên tinh thần cứ như chập chờn theo từng cung đường lượn khúc của miền Đông và chuyến đi đã có quá nhiều tính hấp dẫn.
Đong đầy nghĩa tình
Theo đó, đúng hẹn chúng tôi đã tập hợp tại điểm trung tâm của Sài Gòn, xe xuất phát ngay lúc 12 giờ trưa nên cái nóng như phủ đầy cả không gian. Hai chiếc xe chở trên 30 thành viên xuất phát được kèm theo những ổ bánh mì, bánh bao và những chai nước suối phát cho từng thành viên, tuy “ngắn gọn” nhưng thật ấm lòng bởi sự chu đáo của ban tổ chức.
Sau đó, đoàn đến Tỉnh Uỷ Bình Phước vào lúc 15g30 ngày 25/3/2022, đoàn nhanh chóng nhận phòng nghỉ ngơi…Chiều tối cùng ngày, tại buổi cơm với những hương vị từ canh chua, cá kho tộ, thịt heo rừng…đã làm tưng bừng không khí giữa nhóm nghệ sĩ thành phố được các thành viên “đội nhà” TỉnhĐoàn Bình Phước chiêu đãi một cách thân tình và nồng ấm.
Ngay sau khi ăn xong, với tinh thần phấn khởi nhóm nhiếp ảnh gia đi sáng tác theo chuyên đề: Bình Phước về đêm…Những, tưởng cuộc tranh tài sẽ diễn ra sôi nổi bởi sự chuẩn bị “súng ống” là những chiếc máy ảnh chuyên nghiệp và có cả tay chụp ảnh bằng flycam (như một chiếc máy bay thu nhỏ) cho thấy ban tổ chức đã “viện binh” những tay máy vô cùng xuất sắc.
Tuy nhiên,…tất cả đều vỡ trận, bởi Tỉnh Bình Phước vẫn còn thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid – 19. Vì vậy, các ngọn đèn về đêm chỉ “loe lói” cầm chừng trên những con đường trung tâm của thành phố về đêm. Dù xe của Ban tổ chức đã chở đi đến 3 địa điểm nhưng các nhiếp ảnh gia “lừng lẫy” đều lắc đầu ngao ngán, bởi chụp ảnh mà không có ảnh sáng là xem như…thua trắng.
Một cuộc họp chớp nhoáng diễn ra giữa trưởng đoàn là Viện trưởng IMRIC, đại diện Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống với đoàn, bởi nghề của các nhiếp ảnh gia sáng tác luôn có một đặc thù rất riêng mà không phải ai cũng biết, cứ người ta ngủ, thì người sáng tác phải dậy sớm để “săn” cảnh bình minh, khi người ta ăn thì các anh phải nhịn để tìm được khoảnh khắc… hoàng hôn. Lập tức lệnh của Viện trưởng Viện IMRIC, đại diện Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống Hồ Minh Sơn phải cắt cử riêng một chiếc xe để đội nhiếp ảnh thoả sức tung hoành sáng tác theo ý mình ở nhiều địa điểm của Bình Phước như: Quảng trường 23/3, Tượng đài Chiến thắng Đồng Xoài, nhà trưng bày lưu niệm, đài phun nước…Đây được xem là một quyết định “hợp lòng dân” khiến anh em nhiếp ảnh cười vui ra mặt.
Tất bật và hăng say sáng tác
Sang ngày thứ hai (vào ngày 26/3/2022) đúng vào ngày kỷ niệm Ngày thành lập đoàn, cả đoàn dậy sớm ăn sáng và tập trung ngay quảng trường để săn…ảnh. Có thể nhận thấy, không khí tất bật và náo nhiệt hơn khi Bí thư Tỉnh đoàn Bình Phước xuất hiện với các chiến sĩ công an, có hơn 20 chục đoàn viên thanh niên tình nguyện làm người mẫu, cộng với 2 em thiếu nhi đến từ TP.HCM trong trang phục bộ đội cụ Hồ và chiếc áo bà ba khiến các nhiếp ảnh gia hoạt động hết công suất. Từ đội hình riêng lẻ, cho đến đội hình tập thể, tất cả đều được điều động theo đúng đội hình tự nhiên nhất, hoành tráng nhất và tất nhiên các nhiếp ảnh trong đoàn gần như hoạt động hết công suất nhằm thu về những khoảnh khắc đẹp nhất.
Chuyển sang khu công viên, có thêm đội xe bán tải tình nguyện làm “bậc thang” để các nhiếp ảnh gia tranh thủ leo lên cao nhằm có được điểm chụp đẹp nhất. Hơn 30 người mẫu bất đắc dĩ sẵn sàng đội nắng đi theo những đội hình chuẩn nhất, làm đi làm lại nhiều lần để các nhiếp ảnh gia bấm…lia lịa. Chỉ cần nghe tiếng máy “tanh tách” và cả những lời trầm trồ từ những thành viên ban tổ chức là đủ thấy Tỉnh Bình Phước lần này chắc chắn sẽ có những tấm ảnh đẹp…để đời.
Ngay sau cuộc săn ảnh, đoàn bắt đầu di chuyển hàng chục cây số để kịp giao lưu thân tình cùng hai chị em tí hon Cam Thị Liên, Cam Thị Nghiệp ở Huyện Hớn Quản. Tại đây, duới cái nắng chan chát và đầm đìa mồ hôi khi tất cả đều muốn ghi lại khoảng khắc tình nghĩa của Công ty Khang Huy cùng với ba tổ chức đã trao tặng 2 xe lăn điện trị giá 30 triệu đồng cho hai nhân vật đặc biệt này trong không khí nghĩa tình mà rất nhiều người đã khó tả thành lời.
Sau buổi cơm trưa nhẹ nhàng ngày 26/3, đoàn đã đến thăm Tượng đài Chiến thắng, một di tích lịch sử tại xã Tân Khai và Nhà bia tưởng niệm ghi danh liệt sĩ Sư đoàn 7, viếng chùa Phật Quốc Vạn Thành ở Thị xã Bình Long. Trong đó, có tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cao 73m, được xem là cao nhất Đông Nam Á hiện nay đã khiến nhiều người tấm tắc khen ngợi.
Ấn tượng và xúc động nhất khi đoàn đến thăm và tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Lộc Ninh mà đại diện là hai cụ già làng rất vui vẻ. Đồng thời, đoàn đã viếng chùa Sóc Lớn (xã Lộc Khánh), một ngôi chùa Khmer lâu đời nhất ở Bình Phước, nơi từng nuôi giấu nhiều chiến sĩ cách mạng để giờ đây trở thành một điểm đến đầy ấn tượng dành cho du khách khi được Thưởng thức nhạc ngũ âm, múa lâm vông ở chùa Sóc Lớn này.
Những cuộc giao lưu ấm áp thân tình
Buổi chiều sau cuộc dạo quanh khu rừng huyện Lộc Ninh, các nhiếp ảnh gia thêm một lần nữa tách đoàn để tiếp tục sáng tác những phong cảnh hoang sơ tuyệt đẹp có một không hai nơi đây. Riêng,nhóm thứ hai di chuyển về hội trường để có cuộc giao lưu với các đoàn viên thanh niên huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước nhằm lan toả tinh hoa từ các lĩnh vực do Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Xuân Thăng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Việt Nam cùng với nhạc sĩ Lê Minh là tác giả của ca khúc “Vui trong ngày cưới”, một ca khúc mà gần như đám cưới nào ở Việt Nam cũng đều có người hát và anh chàng diễn viên kiêm ca sĩ điển trai Văn Tiến Luật đại diện đoàn lên sân khấu tâm tình và giải đáp mọi thắc mắc của các đoàn viên Bình Phước.
Với gần 3 tiếng đồng hồ “tâm tình” rất nhiều nguời đã hiểu phần nào về cái đẹp và ý nghĩa của nhiếp ảnh. Riêng, tâm tình của nhạc sĩ Lê Minh, khiến nhiều khán giả đã vỡ oà khi biết được “quy trình” của một sáng tác ca khúc mà anh ấp ủ và lan toả như thế nào. Cả hội trường càng sôi động hơn khi DVĐAVăn Tiến Luật bật mí về vai diễn đại ca giang hồ Hải Bánh qua câu chuyện của trùm xã hội đen Năm Cam trong bộ phim “Những đứa con biệt động Sài Gòn” khiến nhiều người vỡ lẻ: Để có được một vai diễn trong lòng khán giả là cả một sự tìm tòi hoá thân cũng như sự cực khổ khi vào vai diễn. Kết thúc buổi giao lưu toạ đàm này, Viện trưởng Viện IMRIC, đại diện Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống Hồ Minh Sơn đã thay mặt đoàn văn nghệ sĩ cảm ơn sự nhiệt tình của Ban tổ chức Tỉnh Đoàn, Huyện Đoàn và UBND huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đã tạo mọi điều kiện để anh em có được những phút giây dạt dào tình cảm.
Rời hội trường, đoàn đã được Ban tổ chức chiêu đãi một bữa cơm gia đình của một lãnh đạo xã với các món ăn: cháo lòng, cơm tấm chiên và nhiều món đặc sản từ Bình Phước khiến bao mệt mõi của một ngày dài sáng tác gần như tan biến….
Đặc biệt, để “mở hàng” cho cuộc sáng tác lần này, một bài thơ của Viện trưởng Viện IMRIC, đại diện Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống Hồ Minh Sơn ấp ủ sáng tác ngay khi đặt chân đến thăm Bình Phước đã được lão nhạc sĩ Thái Ngọc Sơn 87 tuổi, là tác giả nhiều ca khúc như 100 Phần Trăm, Nét Son Buồn, Đêm Buồn Phố Thị… Người được xem là kỷ lục gia dòng nhạc phim xưa của Hồ Biểu Chánh khi ông sáng tác hơn 60 ca khúc, và lần này ông đã phổ thơ thành bài nhạc Khát vọng cuộc đời sẽ được trưng bày tại Hội nghị tỉnh Bình Phước ở TPHCM vào tháng 4/2022.
Chưa dừng lại đó, nhạc sĩ Lê Minh, người đã sáng tác hàng trăm ca khúc đã được phổ biến và được yêu thích của khán thính giả, mang tính gần gũi với cuộc sống đương đại, đi vào lòng người bằng âm hưởng dân ca biến đổi nhưng không biến chất, lời lẽ vẫn một phong cách Nam bộ nhưng được cách tân phù hợp với cuộc sống, như: Phải duyên hay nợ, Tình ngăn đôi bờ, Cô Út theo chồng, Bậu buồn biết bao, Giữ lại dáng quê, Cô Út về làng…hay bài hát mà ai nghe cũng thích với lời lẽ mộc mạc thắm đượm tình quê: “Đám cưới đám cưới về trên đường quê. Cô dâu đôi má hồng về nhà chồng…” lại vang lên trong không khí tươi vui hoan hỉ, đây là lời bài hát Vui trong ngày cưới, một sáng tác tâm đắc của anh viết dành riêng để chúc mừng cho tình yêu đôi lứa. Nhạc sĩ Lê Minh đã phổ nhạc bài thơ thứ hai về tỉnh Bình Phước của Luật gia, Nhà báo Hồ Minh Sơn người làm trưởng đoàn tại trại sáng tác lần này…Được biết, gần đây nhất Luật gia, Nhà báo Hồ Minh Sơn đã hoàn thiện bài thơ thứ ba về tiếng đàn T’nưng về Sóc Bom Bo vang lừng…sẽ được nhạc sĩ Lê Minh tiếp tục phổ nhạc…
Sáng tác giữa vùng đất hào hùng trang sử
Như vậy, dù chiến tranh đã qua đi, nhưng những đóng góp, cống hiến tuổi trẻ của thế hệ cha ông cho nền độc lập và khát vọng tự do của dân tộc vẫn luôn được thế hệ trẻ Việt Nam ghi nhớ, học tập noi theo. Họ đã và đang mỗi ngày phấn đấu để sống, cống hiến vì sự phát triển từng ngày của quê hương, cũng như giàu mạnh của đất nước. Trại sáng tác này, cũng là để cháo mừng kỷ niệm 91 năm – Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Mình (26/3/1931- 26/3/2022), và hướng tới kỷ niệm ngày 30/4 lịch sử, trại sáng tác với nhiều hoạt động “về nguồn” vô cùng có ý nghĩa.
Trải qua hơn 25 năm tái thiết…Tỉnh Bình Phước không chỉ có những di tích lịch sử của quá khứ, mà đã và đang trở thành vùng đất trẻ và năng động, nhiều tiềm năng. Trong những ngày tham gia đoàn sáng tác tôi đã tình hiểu và được biết, Tỉnh Bình Phước là địa phương sở hữu hình đa dạng gồm cả cao nguyên, đồi núi và đồng bằng và là địa bàn trung chuyển giữa Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ khi phía Đông giáp tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai; Phía Tây giáp tỉnh Tbong Khmum của Cambodia và tỉnh Tây Ninh; Phía Nam giáp tỉnh Bình Dương và phía Bắc giáp các tỉnh Mondulkiri và Kratié của Cambodia & tỉnh Đắk Nông. Cụ thể, có tổng diện tích tự nhiên 6.876,6km2 (số liệu năm 2016), có 11 huyện, dân số toàn tỉnh khoảng 994,679 nhân khẩu và là nơi cư trú của 41 dân tộc anh em. Trong đó dân tộc thiểu số chiếm đến 19,6%, đa số là người S’Tiêng, một số ít là người Hoa, Khme, Nùng, Tày…ba huyện giáp biên là Bù Gia Mập, Bù Đốp và Lộc Ninh, với chiều dài đường biên giới 260,433km. Hiện nay, Bình Phước có 4 cửa khẩu, trong đó có một cửa khẩu Quốc tế là Hoa Lư.
Hiện nay, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện với hệ thống giao thông thông suốt, kinh tế phát triển nhanh với thế mạnh là nông nghiệp, hình thành nhiều khu công nghiệp thu hút nhiều doanh nghiệp có vốn FDI, văn hoá – giáo dục cũng phát triển vượt bậc, cộng động các dân tộc anh em đoàn kết cùng phát triển… tạo nên một Bình Phước trẻ và năng động…
Thắt chặt tình hữu nghị – Lan toả “Sông có nguồn, người có cội”
Song song đó, tham gia trại sáng tác lần này tôi đã cùng đoàn được Tổng lãnh sự Campuchia tại TP.HCM hướng dẫn đi thăm cụm công trình lưu niệm hành trình cứu nước của Thủ tướng Hunsen ở điểm X16 (xã biên giới Lộc Tấn) và chụp ảnh với cột mốc biên giới; Tham quan vườn quốc gia biên giới Bù Gia Mập; Thăm đồi Bằng Lăng thuộc ngọn núi Bà Rá hùng vĩ, tại đây đoàn cũng đã đến thắp hương Đền thờ liệt sĩ và đồng bào tử nạn núi Bà Rá và dừng chân ở Độ Sinh Tử trên đỉnh núi này, đã khiến các thành viên của đoàn đầy cảm hứng khi được ngắm nhìn toàn thị xã Phước Long ẩn hiện trong ống kính vào lúc sáng bình minh…
Chia sẻ với chúng tôi trong suốt 5 ngày, Luật gia Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC, đại diện Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống cho rằng chúng ta sống thì phải “Sông có nguồn, người có cội” – Nên cần thực hiện những chuyến “về nguồn”. Từ đó, chúng ta được trải nghiệm và tham quan những công trình kiến trúc, những di tích mang dấu ấn lịch sử, đến viếng thăm và thắp nhang những tượng đài liệt sĩ…góp phần giúp nâng cao nhận thức, niềm tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống vẻ vang của Đảng, của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, của Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), của những nhiếp ảnh gia, của các nhà báo, các nhà khoa học, các thành viên của đoàn sáng tác để chúng ta cần sống xứng đáng với thế hệ cha ông đã đổ máu hy sinh cho một hoà bình trên thế giới, mảnh đất Bình Phước nói riêng và tổ quốc Việt Nam nói chung.
Như vậy, cùng với khí thế thi đua của cả nước để hướng hướng tới ngày 30/4 lịch sử, nhân dịp tháng Thanh niên, Viện IMRIC đã phối hợp với Tỉnh Đoàn Bình Phước tổ chức cho gần 30 văn nghệ sĩ tham gia Trại sáng tác “Bình Phước – Đất và người tiềm năng và triển vọng”. Cũng là dịp để trải nghiệm “về nguồn” được tổ chức quy mô với nhiều hoạt động có ý nghĩa, là cách để ôn lại và ghi nhớ công ơn của thế hệ cha ông đi trước, góp phần hun đúc tình yêu quê hương, tự hào về truyền thống cách mạng và sống cống hiến cho xã hội của thế hệ đoàn viên, thanh niên trên toàn địa bàn tỉnh Bình Phứớc nói riêng và cả nước nói chung.
Những ngày cuối cùng của chương trình, đoàn còn được đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Phước; Đền thờ Vua Hùng (huyện Phú Riềng); Viếng Tượng đài Phú Riềng Đỏ (Huyện Đồng Phú); Di tích lịch sử – văn hoá cấp quốc gia và là nơi thành lập Chi bộ Đông dương Cộng sản Đảng đầu tiên của Khu vực Đông Nam bộ…Đoàn cũng đến thăm Khu bảo tồn văn hoá dân tộc S’tiêng Sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng) được tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, cách làm canh thụt – món ăn truyền thông của một số dân tộc như S’tiêng, KhMer, M’nông… Giao lưu lửa trại, xem biểu diễn cồng chiêng của người dân địa phương…
Đoàn cũng tham gia diễn đàn “3F – Từ trang trại đến bàn ăn” với phần trao đổi từ đại diện Tỉnh Đoàn Bình Phước; đại diện Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC); Công ty Deli VN; đại diện VCCI, đại diện Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (OBC); đã giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện,giúp đoàn viên thanh niên, các startup trên địa bàn tinh có thể nghiên cứu đề ứng ứng dụng mô hình 3F, đang thực hiện tại Bình Phước.
Tại đây, Luật gia Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu – Thị trường Truyền thông Quốc tế (IMRIC) cho hay sự phát triển của mô hình 3F đề cao cung ứng sản phẩm theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc đã làm thay đổi căn bản ngành chăn nuôi Việt Nam. Trước đây, ngành chăn nuôi chia nhỏ thành nhiều giai đoạn như làm giống, sản xuất thức ăn, nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ…những công đoạn lại có lợi nhuận riêng, rủi ro riêng. Chịu ảnh hưởng của tư tưởng “cha chung không ai khóc” khi sản phẩm bị từ chối trên thị trường, trách nhiệm không biết thuộc về ai…Vì lẽ đó, với mô hình 3F tất cả đã thay đổi khi mô hình này đòi hỏi sự đồng bộ từ khâu làm giống, sản xuất thức ăn, chăn nuôi, chế biến và cung ứng thực phẩm…, tất cả phải có sự liên thông, minh bạch. “Từ trang trại đến bàn ăn”, hay còn gọi là mô hình 3F (Feed – Farm – Food) là mô hình sản xuất thực phẩm an toàn khép kín từ khâu nuôi, trồng ở trang trại đến khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Theo Luật gia Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), đại diện Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống tiết lộ trong thời gian tới chúng ta sẽ trở lại Tỉnh Bình Phước cùng sáng tác với chủ đề mới mang dấu ấn về du lịch. Ngoài ra, hiện đang chuẩn bị đề án theo đặt hàng của Sở VHTT&DL tỉnh Cà Mau, Hậu Giang, Bến Tre hứa hẹn với nhiều thể loại và chủ đề rất ý nghĩa…Điển hình, nhằm chuẩn bị kỷ niệm ngày tái thành lập Tỉnh Đắk Nông…
Tin rằng, chúng tôi là những người trực tiếp được tham gia cùng đoàn sáng tác cũng tin chắc, những trải nghiệm thực tế không chỉ là những kỷ niệm đáng nhớ, mà sẽ là đề tài để các thành viên tham gia cho ra những tác phẩm hay. Thông qua đó, còn góp phần quảng bá, giới thiệu một vùng đất Bình Phước không chỉ có nhiều điểm du lịch nổi tiếng, hấp dẫn, mà còn có một Bình Phước anh hùng trong kháng chiến và cần cù lao động trong thời bình để xây dựng quê hương.
Hải Linh – Lữ Long – Thanh Việt
https://huongnghiepthitruong.vn/2022/04/10/ky-su-trai-sang-tac-binh-phuoc-datnguoi-tiem-nang-trien-vong-do-vien-imric-phoi-hop-tinh-doan-binh-phuoc-thuc-hien/