(PTTTO) – Mướp đắng là loại thực phẩm có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể ăn mướp đắng bởi nó có những tác dụng phụ khá nguy hiểm.
Lợi ích của mướp đắng
Mướp đắng hay còn gọi là khổ qua là một loại thực phẩm phổ biến trong bữa cơm hằng ngày. Theo y học cổ truyền, khổ qua có vị đắng, tính hàn, vào tỳ vị tâm can và có tác dụng giải thử nhiệt, minh mục giải độc. Y học hiện đại cho rằng tác dụng của mướp đắng là diệt vi khuẩn, chống lại tế bào ung thư. Trong mướp đắng có hàm lượng vitamin cao giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Bên cạnh đó, kali trong quả này có tác dụng giảm huyết áp, và beta-caroten giúp sáng mắt… Mướp đắng là một món ăn được nhiều người ưa thích không chỉ vì mùi vị đặc biệt mà còn bởi tác dụng thanh nhiệt, đẹp da của nó.
Những người không nên ăn mướp đắng
Phụ nữ mang thai và cho con bú
Mướp đắng là một loại quả kích thích tử cung, gây chảy máu và có thể dẫn đến sinh non, do đó bà bầu không nên ăn mướp đắng. Phụ nữ đang cho con bú cũng không nên ăn mướp đắng vì một số thành phần không tốt có thể được truyền qua sữa mẹ.
Ngoài ra, mướp đắng rất ít chất xơ và chất béo nên không có lợi cho chế độ dinh dưỡng của bà bầu và phụ nữ sau sinh.
Trẻ em
Không chỉ gây khó tiêu, phần ruột và hạt bên trong trái mướp đắng còn chứa nhiều thành phần độc tố gây hại cho sức khỏe của trẻ em. Chính vì vậy, bạn không nên cho trẻ ăn những món được chế biến từ khổ qua.
Nếu muốn thay đổi khẩu vị cho bữa cơm thường ngày, cần trụng (chần) khổ qua trong nước sôi trước khi chế biến, nấu nướng.
Người bị bệnh huyết áp thấp
Mặc dù mướp đắng là thực phẩm có tác dụng giảm huyết áp (tốt cho những bệnh nhân huyết áp cao). Tuy nhiên, nếu ăn mướp đắng quá nhiều sẽ dẫn đến huyết áp thấp, gây đau đầu, chóng mặt.
Vì vậy, đối với những bệnh nhân có huyết áp thấp, nên hạn chế sử dụng loại rau quả này.
Người có bệnh tiêu hóa
Đối với người khỏe mạnh, ăn mướp đắng có thể giúp kích thích tiêu hóa, làm tăng tiết men tiêu hóa. Tuy nhiên, với những trường hợp hệ tiêu hóa yếu thì không nên ăn món ăn này. Ăn mướp đắng ở người có vấn đề về hệ tiêu hóa có nguy cơ gây ra tiêu chảy, lỵ, hoặc một số bệnh ở dạ dày.
Người bị tiểu đường
Mướp đắng có thể giúp giảm lượng đường trong máu, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên, khi đang sử dụng thuốc để hạ thấp lượng đường thì ăn thêm mướp đắng có thể khiến mức đường trong máu xuống thấp hơn cho phép, không tốt cho sức khỏe.
Vì vậy, đối với bệnh nhân tiểu đường nếu thích ăn mướp đắng thì sắp xếp thời gian xen kẽ giữa thuốc và mướp đắng để bảo vệ sức khỏe.
Người sau phẫu thuật
Theo các con số thống kê từ các cơ sở y tế cho thấy mướp đắng có thể cản trở quá trình kiểm soát lượng đường huyết trong và sau khi phẫu thuật.
Vì vậy, phương pháp tốt nhất là nên ngừng ăn mướp đắng ít nhất 2 tuần trước và sau thời gian phẫu thuật dự kiến.
Người bị bệnh thiếu men (enzyme)
Bệnh thiếu men là bệnh di truyền phổ biến do cơ thể không đủ men glucose-6-phosphate giúp tế bào hồng cầu hoạt động bình thường.
Người bệnh thiếu men sau khi ăn mướp đắng sẽ xuất hiện các triệu chứng thiếu máu, đau đầu, sốt, đau dạ dày, thậm chí bị hôn mê hơn. Đặc biệt, độc tố vicine trong mướp đắng có khả năng gây ngộ độc tầm đậu (favism), một hội chứng cấp tính gây ra triệu chứng nhức đầu, đau thắt bụng và hôn mê.
Người thiếu canxi
Mướp đắng có chứa nhiều axit oxalic. Chất này có thể ngăn cản cơ thể hấp thụ canxi. Bởi vậy, những người bị thiếu canxi: trẻ nhỏ, người già, bị bệnh loãng xương… không nên ăn mướp đắng.
Những người đại kỵ với mướp đắng, không nên ăn kẻo tự ‘hạ độc’ cơ thể