(PTTTO) – Nền kinh tế Việt Nam có sự phục hồi mạnh, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam ở mức “ổn định” và “tích cực”. Thế nhưng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) còn một số hạn chế, đòi hỏi giải pháp đột phá để phục hồi và phát triển ngày càng bền vững.
Ảnh minh hoạ
Có thể thấy, khi doanh nghiệp sở hữu hệ thống quản trị tốt, có thể gặt hái được nhiều lợi ích về mặt tài chính, điển hình: nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và khả năng tiếp cận thị trường vốn, giảm chi phí; nâng cao uy tín của công ty, hội đồng quản trị và ban điều hành và hướng tới mục đích cuối cùng là phát triển bền vững.
Chia sẻ với chúng tôi, Luật gia – Nhà báo Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) cho rằng khi DN xây dựng một khung quản trị công ty tốt cần có ba trụ cột cơ bản, trong đó: thiết kế hệ thống; xây dựng tổ chức để thực thi hệ thống và có nhân lực để thực hiện. Khi ba trụ cột được xây dựng một cách vững vàng, DN sẽ phát triển được bền vững, bất kể lãnh đạo DN là nam hay nữ, hay lĩnh vực, ngành nghề hoạt động của DN. Nhiều năm trước, khi nói đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thì yếu tố rất quan trọng là quản trị doanh nghiệp lại ít khi được nhắc tới.
Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hầu hết doanh nghiệp đã nhận thấy rất rõ một trong ba giá trị quan trọng giúp doanh nghiệp ứng phó linh hoạt, phục hồi nhanh chóng là việc phải có nền quản trị tốt, bên cạnh nguồn lực về tài chính và con người. Theo ông Hồ Minh Sơn cho rằng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp gồm năng lực về thị trường sản phẩm dịch vụ, con người gồm lãnh đạo, đội ngũ nhân viên, văn hóa doanh nghiệp và tài chính doanh nghiệp. Khi gắn quản trị công ty với năng lực cạnh tranh thì đây chính là một trong những điểm kết nối các nguồn lực và gia tăng các nguồn lực.
Do đó, công tác quản trị doanh nghiệp tốt còn giúp gia tăng về hình ảnh, thương hiệu, qua đó giúp doanh nghiệp thu hút những khoản đầu tư mới. Trong khi đó, những nhà đầu tư trực tiếp hay gián tiếp hiện đều xem trọng vấn đề quản trị doanh nghiệp để thấy được sự minh bạch và công khai trong hoạt động doanh nghiệp mới quyết định đầu tư. Đặc biệt, doanh nghiệp quản trị tốt sẽ là lực đỡ giữ chân người lao động, gia tăng nguồn lực lao động mới.
Theo Luật gia – Nhà báo Hồ Minh Sơn, nhấn mạnh :“Thế giới ngày càng có nhiều thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi các Chính phủ, các nền kinh tế và doanh nghiệp cần phải không ngừng vận động, đổi mới để bắt kịp xu thế phát triển. Đồng thời, một hình thái phát triển đã được chấp nhận trên toàn cầu, đó là phát triển bền vững. Để đất nước phát triển bền vững, không thể thiếu sự đóng góp của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần phát triển bền vững để đảm bảo cho tương lai của chính mình”. Muốn vậy, doanh nghiệp phải nâng cao năng lực quản trị sản xuất, kinh doanh…Mặt khác, trong bối cảnh cạnh tranh khóc liệt, các doanh nghiệp cần hướng tới sự phát triển bền vững theo xu hướng ESG. ESG cụm từ viết tắt bởi E-Environmental (Môi trường); S-Social (Xã hội) và G-Governance (Quản trị doanh nghiệp), là một bộ tiêu chuẩn nòng cốt để đánh giá các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Doanh nghiệp có điểm số ESG càng cao tức là năng lực thực hành ESG càng tốt, ông Hồ Minh Sơn chia sẻ thêm.
Như vậy, khi các doanh nghiệp làm tốt các yếu tố then chốt trên thì sẽ tạo ra năng lực cạnh tranh, ứng phó với những bất ổn của kinh doanh bây giờ, không chỉ do đại dịch, mà còn cả những bất ổn từ chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách phải hiểu được vai trò của quản trị doanh nghiệp để đưa vào đánh giá năng lực cạnh tranh và đưa vào chiến lược kinh doanh.
Cũng theo Luật gia – Nhà báo Hồ Minh Sơn khuyến nghị dù các doanh nghiệp đã nắm bắt xu thế mới, nhưng văn hóa vẫn là điều cần được quan tâm, nâng tầm và liên tục xây dựng và bồi đắp. Bởi, văn hóa là một trong những yếu tố không thể thiếu khi doanh nghiệp phát triển, là vấn đề không kém phần then chốt còn lại khi doanh nghiệp gặp khủng hoảng để các đối thủ cạnh tranh không thể dành được từ doanh nghiệp. Khẳng định rằng, hơn hai năm các doanh nghiệp phải vật lộn với cơn bão dịch Covid – 19, có rất nhiều doanh nghiệp đã ứng phó, đối phó và “sống sót” vươn lên rất mãnh liệt. Chỉ có nền tảng văn hóa doanh nghiệp thì vai trò của văn hóa doanh nghiệp như bệ đỡ, lực đẩy để khi doanh nghiệp có bị khủng hoảng thì không bị rơi xuống. Do vậy, văn hóa doanh nghiệp từ các lãnh đạo cấp cao cần được định danh, định vị và định hướng để trở thành “ngọn đèn hải đăng” dẫn dắt và xây dựng văn hóa công ty, hướng đến phát triển bền vững.
Luật gia – Nhà báo Hồ Minh Sơn chia sẻ nhiều thông tin hỗ trợ cho doanh nghiệp thành viên Viện IMRIC
Dịp này, Luật gia – Nhà báo Hồ Minh Sơn phân tích khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy mô chưa lớn, nguồn lực chưa mạnh nên cải thiện năng lực cạnh tranh bằng việc thực hiện quản trị doanh nghiệp theo mức tối thiểu đó là tuân thủ, nhằm đảm bảo không phát sinh chi phí do việc không tuân thủ đưa ra. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tập trung vào phát triển nguồn lực con người bằng các chính sách phù hợp để khuyến khích, phát triển và giữ chân người lao động. Các doanh nghiệp phải luôn coi người lao động là nguồn lực phát triển doanh nghiệp, không phải đối tượng để đi thuê.
Tin rằng, các doanh nghiệp xây dựng chiến lược quản trị bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường mô hình hợp tác công – tư. Bài học đắt giá từ đại dịch Covid – 19 đã đúc rút cho doanh nghiệp nhiều kinh nghiệm quý báu, mà hơn hết chính là những vấn đề then chốt cần được giải quyết nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội bao trùm và bền vững trong giai đoạn 2021-2030.
Theo Hoàng Quý – Ngọc Danh/huongnghiepthitruong.vn