(PTTTO) – Có thể thấy, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra sự bùng nổ của công nghệ số, các công nghệ cốt lõi như: Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud computing), chuỗi khối (Blockchain), dữ liệu lớn (Big data), trí tuệ nhân tạo (AI)…mang đến cho nhân loại sự thay đổi toàn diện. Do đó, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) khi được thông qua được kỳ vọng sẽ xây dựng một luật thống nhất, tạo một hành lang pháp lý hoàn thiện để thực hiện chuyển đổi sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực.
Sau gần 15 năm thực hiện, Luật Giao dịch điện tử và các luật chuyên ngành khác tạo hành lang pháp lý hỗ trợ mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội, đưa ứng dụng khoa học, công nghệ vào cải cách hành chính. Trong đó, Luật Giao dịch điện tử được xây dựng vào thời điểm ngành CNTT của Việt Nam cũng như hoạt động giao dịch điện tử, Chính phủ điện tử và thương mại điện tử chưa phát triển. Sau 15 năm, cùng với sự phát triển đột phá của khoa học và công nghệ, đặc biệt là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, sinh trắc học, blockchain…Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng và phát triển giao dịch điện tử sâu rộng hơn. Ứng dụng công nghệ mới trong giao dịch điện tử đã phát sinh những vấn đề mới mà Luật Giao dịch điện tử 2005 chưa quy định.
Cụ thể, vào ngày 14/7/2022 mới đây, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) tổ chức Hội thảo góp ý Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022 và thông qua tại kỳ họp vào tháng 5/2023. Tại đây, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký (Trưởng Ban Pháp chế VCCI) cho biết, Luật Giao dịch điện tử ra đời từ năm 2005, sau hơn 15 năm thực hiện, đã thể hiện vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và đưa ứng dụng khoa học – công nghệ vào cải cách hành chính mạnh mẽ. Đặc biệt, sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, với sự phát triển mạnh mẽ của các giao dịch trên môi trường mạng, vai trò của Luật Giao dịch điện tử càng thể hiện rõ.
Cùng với đó, Luật Giao dịch điện tử tuy ra đời sớm nhưng tính chất quy định theo hướng khung, nguyên tắc nên có tính ổn định cao, vẫn khá tương thích với bối cảnh hiện nay. Thế nhưng, trước bối cảnh kinh tế và công nghệ đã có nhiều thay đổi, các giao dịch được thực hiện trên môi trường điện tử ngày càng nhiều, nên rất cần một khung khổ pháp lý phù hợp hơn.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Trọng Đường – Phó Vụ trưởng phụ trách điều hành (Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ TT&TT) cho hay, từ việc tiếp thu ý kiến, hiện Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đang xây dựng có 8 chương, 60 điều. Dự thảo được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong các giao dịch của các cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là tháo gỡ các vướng mắc về các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, dữ liệu về cá nhân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trên môi trường mạng.
Trong khi đó, hầu hết các ý kiến của doanh nghiệp và chuyên gia đều bày tỏ đồng thuận với việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Tuy nhiên, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh các giao dịch điện tử trong giao dịch thương mại, dân sự, kinh tế, tạo khung pháp lý ổn định cho các hoạt động giao dịch điện tử được áp dụng rộng rãi.
Trao đổi với chúng tôi, Luật gia Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) cho rằng, trên thế giới phần lớn Luật Giao dịch điện tử chỉ tập trung vào quản lý tính pháp lý của các phương tiện hoặc yếu tố điện tử của các giao dịch như chữ ký số, chứng thư điện tử, hợp đồng điện tử…nhưng không quản lý các dịch vụ số hoặc nền tảng liên quan.
Mặt khác, các doanh nghiệp như Honda, Mercedes Bez cũng kiến nghị tại Hội thảo, luật về giao dịch điện tử sửa đổi tới đây nên sử dụng và công nhận chữ ký điện tử nước ngoài, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong các giao dịch điện tử, nhất là lĩnh vực liên quan đến thuế và hải quan.
Thế nhưng, Luật gia Hồ Minh Sơn cho biết đối với việc hoàn thuế, điều kiện để được hoàn thuế là các giao dịch phải hợp lệ, hợp pháp, nếu việc sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài không đúng thì sẽ phát sinh rủi ro, ảnh hưởng đến quyền lợi và trách nhiệm của cơ quan chức năng. Đồng thời, khuyến nghị cần phải thận trọng trong việc công nhận chữ ký số nước ngoài cũng như giá trị pháp lý của loại hình này. Do, nếu trong quan hệ dân sự, 2 doanh nghiệp ký kết với nhau mà có tranh chấp thì sẽ có tòa án giải quyết, nhà nước không can thiệp. Nhưng nếu trong quan hệ với cơ quan hành chính và doanh nghiệp thì là quan hệ hành chính, nhà nước phải có trách nhiệm nên cần thận trọng hơn. Các quy định cần được nghiên cứu và sẽ có quy định, hướng dẫn cụ thể sau này.
Theo Luật gia Hồ Minh Sơn chia sẻ thêm việc ứng dụng công nghệ 4.0 khi sáng tạo, phát triển sản phẩm, dịch vụ đối với khách hàng là quan hệ kinh tế dân sự. Chuyển đổi số hiện đang diễn ra mạnh mẽ. Do đó, các cơ quan quản lý đã và đang nghiên cứu, xây dựng khung khổ pháp lý với tư duy mới để thúc đẩy kinh tế số, kinh tế chia sẻ và nhất là sáng tạo, phát triển sản phẩm, dịch vụ nhằm phát triển kinh tế bền vững. Theo tìm hiểu để xây dựng Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), từ đầu năm2022 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành xin ý kiến, và phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức 6 hội thảo tham vấn ý kiến của chuyên gia, các nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp. Tính đến ngày 29/4/2022, ban soạn thảo đã nhận được 90 văn bản góp ý kiến cùng với hơn 850 ý kiến góp ý cụ thể cho dự thảo luật.
Tin rằng, thông qua Hội thảo ngày 14/7/2022 vừa qua, các đại biểu đều bày tỏ sự cần thiết phải sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005 cho phù hợp với điều kiện bối cảnh mới và sự phát triển mạnh mẽ của các giao dịch điện tử được thực hiện trên môi trường mạng thời gian qua. Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân khi giao dịch trên môi trường điện tử.
Hoàng Quý – Trần Danh