(PTTTO) – Việt Nam có ngành nông nghiệp và công nghiệp sản xuất gia vị và hương liệu đang ngày càngchuyển đổi ấn tượng. Từ đó, đưa gia vị và hương liệu Việt Nam trở thành nguồn cung quan trọng cho thị trường thế giới.
Chia sẻ với chúng tôi, Luật gia Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) cho rằng Việt Nam có lợi thế về địa lý trải dài trên nhiều vùng khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau. Đồng thời, sự đa dạng sinh học để tạo ra được những sản phẩm nông sản gồm các loại gia vị và hương liệu có những hương vị cũng như chất lượng rất đặc trưng, khác biệt với những sản phẩm cùng loại trên thế giới. Qua đó, sự đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ kỹ thuật, các đối tác nhập khẩu, các nhà phân phối bán buôn, bán lẻ cũng như người dân nhiều khu vực trên thế giới đã có cái nhìn khác đối với quá trình hiện đại hóa và đổi mới của ngành gia vị và hương liệu của Việt Nam.
Tuy nhiên, để có ưu thế cạnh tranh trên thị trường gia vị và hương liệu trên thế giới, các địa phương và doanh nghiệp cần có kế hoạch khôi phục sản xuất, ứng dụng các công nghệ tiên tiến phục vụ chế biến, phát triển đa dạng loại hình sản phẩm để lan toả sâu rộng đối với thị trường tỏng nước…
Nói về điều này, Bà Ong Thị Kim Ngân – Phó Giám đốc Công ty TNHH Khai thác hải sản, chế biến nước mắm Thanh Hà cho hay, vào năm 2004 – là năm đầu tiên doanh nghiệp chủ động tham gia các hội chợ quốc tế, giới thiệu nước mắm truyền thống Phú Quốc của gia đình. Thế nhưng, khi mới ra nước ngoài xúc tiến thương mại thì thấy thương hiệu nước mắm Phú Quốc của Việt Nam bị người Thái công khai sử dụng. Lúc đó, tất cả nước mắm nhãn hiệu Phú Quốc đều được ghi “Made in Thailand” hết. Theo đó, họ viết hẳn tiếng Việt trên nhãn chai nước mắm và còn viết sai chính tả. Tuy nhiên, Phú Quốc sau này đã làm bảo hộ chứng nhận xuất xứ tại châu Âu nên tình trạng trên đã giảm bớt nhưng vẫn còn.
Tương tự, ông Nguyễn Lâm Viên – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit cho biết, truyền thông là một kênh quan trọng trong việc thúc đẩy sự thay đổi thói quen ăn uống và lối sống của người tiêu dùngtrong nước, ngay cả hệ thống nhà hàng, khách sạn, đơn vị kinh doanh ẩm thực tại thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, các sản phẩm đặc trưng của Việt Nam như phở hay gỏi cuốn thì người Thái Lan đều sản xuất trước mình. Họ làm thành dạng “Ready to cook”, “Ready to eat” cho người tiêu dùng có thể nấu hoặc ăn luôn trong khi dùng lại chính các sản phẩm Việt. Trong khi đó, mỗi món ăn, nhất là trong ẩm thực Việt luôn có sự cân bằng dinh dưỡng, đảm bảo có lợi cho sức khoẻ cho người tiêu dùng, mà muốn làm được thì gia vị là một trong những thực phẩm, hương liệu không thể thiếu.
Tâm sự với chúng tôi, ông Phan Minh Thông – Chủ tịch Phúc Sinh Group thì chia sẻ tương tự, các tín đồ cà phê trên thế giới biết đến Columbia hay cà phê nổi tiếng của gia tộc Lavazza (Ý) mà họ không hề biết rằng có đến 70% lượng cà phê của Lavazza mua từ Việt Nam. Bên cạnh đó, DN Việt Nam vẫncòn thụ động trong việc “xách balo lên” và đi khám phá thế giới, học hỏi kinh nghiệm từ phương thức sản xuất cho tới cách làm thương hiệu tại quốc gia phát triển. Trong khi các DN đi ào ào thành đoàn thì chỉ như đi du lịch hay shopping ở nước bạn chứ đừng nói đến tìm hiểu hay xúc tiến làm ăn với đối tác.
Điển hình, tại tọa đàm “Kinh tế gia vị từ góc nhìn nhà kinh doanh” mới đây, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho hay, thị trường xuất khẩu gia vị chế biến của thế giới đang có giá trị khoảng 19 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu gia vị đạt 15-20%.Tại tỉnh An Giang được ví như một Vương quốc mắm Châu Đốc đang xuất khẩu bột mắm cá sặc cho nhiều công ty sản xuất đồ hộp của Thái Lan. Theo tìm hiểu, họ mua về và pha thành nước sốt sệt sử dụng trong các hộp cá ăn liền. Đây đang là nguồn xuất khẩu rất lớn của An Giang. Bà Vũ Kim Hạnh, nhấn mạnh: “Các loại gia vị sẽ được đưa vào nhà máy, thành phẩm đựng trong các chai, lọ cho người tiêu dùng. Gia vị rồi sẽ là ngành kinh tế lớn của Việt Nam”.
Đặc biệt, người tiêu dùng trong nước ngày nay, luôn mong muốn những sản phẩm thực phẩm, nông sản, gia vị chất lượng và tiện ích, đây là thách thức đối với đơn vị sản xuất kinh doanh thực phẩm chế biến. Mặt khác, đối với thực phẩm, nông sản, gia vị chế biến luôn có thời điểm tiêu dùng phù hợp và bảo quản nhất định mới giữ được chất lượng, cũng như dinh dưỡng cao nhất. Ngoài ra, tâm lý của người tiêu dùng khi nghĩ đến thực phẩm, nông sản, gia vị Việt như rau, củ, quả… là phải rẻ và có nguồn cung dồi dào, nên góp phần làm cho xu hướng tiêu dùng bị ảnh hưởng, nhất là đầu ra đối với một số sản phẩm chất lượng và tiêu chuẩn. Ngược lại, người tiêu dùng Việt thì sẵn sàng bỏ tiền mua những sản phẩm nhập khẩu, thương hiệu toàn cầu hơn.
Mặc dù vậy, thị trường gia vị và hương liệu tại Việt Nam có thể đã bị thống trị bởi những công ty nước ngoài. Tại 4 địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ thì Masan Consumer hiện chiếm thị phần lớn nhất. Thứ nhì là Ajinomoto với nhiều sản phẩm từ đậu nành và nước mắm, cũng như sốt cà chua và sốt tương ớt. Sau đó, Unilever và Nestlé cũng được ưa chuộng tại nhiều khu vực, mặc dù có thị phần nhỏ hơn nhiều.
Theo Luật gia Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) mong muốn, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ chú trọng gắn ẩm thực đi đôi với văn hóa và kết hợp với du lịch. Chủ đề “Ẩm thực – Văn hóa – Du lịch” cũng là bài mà các nước đã làm rất thành công như Thái Lan, Hàn Quốc. Thông qua văn hóa, du lịch để bán sản phẩm truyền thống. Khi đó, du khách sẽ nhớ tới các món ăn, gia vị Việt khi bắt gặp ở các quầy siêu thị. Cùng với đó, đối với các nhà sản xuất kinh doanh trong nước cần từng bước tiếp cận, cũng như phát triển công nghệ như lên men, đóng gói chân không, công nghệ sấy lạnh (đông khô)… Từ đó, để bảo quản, đảm bảo chất lượng, dinh dưỡng sản phẩm, vừa đảm bảo mục tiêu ăn chất lượng và ngon lành cho người dân, vừa tạo đầu ra cho sản phẩm nông sản Việt Nam, cũng như tạo điều kiện cho đơn vị sản xuất kinh doanh từng bước cải thiện chất lượng nông sản, quy trình sản xuất, phương thức chế biến…
Cũng theo Luật gia Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) khuyến nghị các DN sản xuất và kinh doanh phải có chiến lược truyền thông, chiến lược tiếp thị và thị trường và cũng cần kiên nhẫn. Kiên nhẫn với giấy tờ, với tiêu chuẩn, với đòi hỏi của thị trường các nước phát triển trên thế giới.
Có thể thấy, trong 5 năm trở lại đây, châu Âu đang làm cho các công ty phải khiếp sợ với các tiêu chí về an toàn thực phẩm. Năm 2015, tiêu chí kiểm tra khoảng 120 chất thì nay họ yêu cầu kiểm tra 820 chỉ số của riêng hạt tiêu nhập khẩu vào EU. Do đó, các doanh nghiệp cần kiên nhẫn thực hiện, điều này sẽ giúp DN lớn hơn và phát triển bền vững. Song song đó, việc tổ chức các lễ hội trong đó có lễ hội “Tinh hoa gia vị Việt” cũng là một trong những cách để lan toả và nâng tầm, quảng bá giá trị của gia vị Việt đối với người tiêu dùng trong nước; kiến tạo sự kết nối các cơ hội thị trường mới cho gia vị Việt, cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
Văn Hải – Trần Danh