(PTTTO) – Theo chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp (Bộ Công thương), mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2022 có thể thực hiện được nếu phát huy được các điểm thuận lợi và hạn chế các điểm bất lợi tác động lên công tác này.
Năm 2022, Quốc hội đã đề ra mục tiêu giữ CPI bình quân khoảng 4%. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đang có nhiều yếu tố bất lợi tác động lên mục tiêu này. Xin ông phân tích cụ thể những yếu tố này?
Căn cứ vào diễn biến kinh tế, chính trị thế giới cũng như trong nước có thể thấy có nhiều điểm bất lợi tác động lên CPI của năm nay.
Thời gian qua, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine tạo một cú sốc khiến giá các loại hàng hóa trên thị trường thế giới tăng cao, đặc biệt là giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng. Tại Việt Nam, giá xăng dầu cũng tăng cao và dự báo tác động tới lạm phát. Nhiều mặt hàng quan trọng khác như giá lương thực, phân bón, giá chi phí vận tải tăng rất mạnh. Thông thương quốc tế bị gián đoạn do các cảng biển đóng cửa, từ đây đẩy chi phí vận chuyển, sản xuất lên rất cao.
Cùng với đó, hiện giá hàng hoá nguyên liệu trên thế giới tăng do kinh tế thế giới phục hồi. Năm nay cơ bản các nước mở cửa mạnh, giá theo đà tăng của năm 2021 sẽ leo cao trong năm 2022.
Đáng chú ý, ở trong nước, những gói kích cầu kinh tế, những chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ dẫn đến kinh tế có điều kiện phục hồi sau 1 năm bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, sau khi những gói này được ban hành, nếu như không có các biện pháp kiểm soát hiệu quả do lượng tiền lớn được cung ứng ra thì sẽ tác động lớn tới lạm phát.
Bên cạnh những yếu tố tiêu cực trên, những yếu tố tích cực nào có thể giúp công tác kiểm soát lạm phát năm 2022 của nước ta đạt được mục tiêu đề ra không, thưa ông?
Ở mặt thuận lợi, trong mấy năm qua, lạm phát của Việt Nam đều ở mức thấp là dưới 4%. Đặc biệt 2 năm 2020 và 2021, lạm phát rất thấp do ảnh hưởng của đại dịch Covid–19. Cầu tiêu dùng trong nước xuống thấp, thể hiện qua chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Trong năm 2020, chỉ số này âm, còn năm 2021, chỉ số này ở mức dương rất thấp. Còn các năm khác, chỉ số này nếu tính cả yếu tố giá đều dao động quanh 10%. Điều này khiến cho hai năm vừa qua lạm phát thấp do cầu thấp, giá không thể tăng được.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý đã triển khai rất hiệu quả các biện pháp kiềm chế lạm phát. Chúng ta cũng đã đảm bảo nguồn cung hàng hoá, không để xảy ra tình trạng khan hàng khiến đẩy giá lên cao.
Theo ông, mục tiêu Quốc hội đã đề ra giữ CPI bình quân khoảng 4% liệu có khả thi? Cần có những giải pháp cụ thể nào cho công tác này?
Mục tiêu kiềm chế lạm phát 4% vẫn có khả năng thực hiện được nếu như chúng ta phát huy được các điểm thuận lợi và hạn chế điểm bất lợi. Chúng ta có thể đạt được chỉ tiêu giữ CPI bình quân khoảng 4% trong khi các nước lạm phát đã quay trở lại.
Nếu như lạm phát tăng sẽ khiến cho quá trình phục hồi kinh tế bị ảnh hưởng nặng thì chúng ta phải thực hiện tốt 2 nhiệm vụ là phục hồi kinh tế nhưng vẫn phải kiềm chế lạm phát.
Còn về giải pháp dài hạn giúp kiềm chế lạm phát một cách bền vững, thời gian tới, chúng ta phải tiếp tục chuyển đổi mô hình từ tăng trưởng theo chiều rộng (chủ yếu dựa trên các yếu tố đầu vào như vốn, lao động, tài nguyên) sang tăng trưởng theo chiều sâu (dựa trên đổi mới sáng tạo, năng suất lao động cao, trình độ khoa học – công nghệ cao). Có như vậy, nền kinh tế mới hoạt động hiệu quả hơn, từ đó giảm áp lực lạm phát, mặc dù giải pháp dài hạn bao giờ cũng khó và ít được chú ý.
Xin cảm ơn ông!
Thùy Linh