(PTTTO) – Chiều ngày 24/5/2022, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh Madan Mohan Sethi đến thăm và làm việc tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Bình Phước. Về phía đoàn Ấn Độ có ông Madan Mohan Sethi, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh; bà Phạm Thị Tuyết, trợ lý Tổng Lãnh sự, bà Lê Thị Tường Vy, trợ lý Tổng Lãnh sự. Về phía tỉnh Bình Phước có ông Trần Quốc Duy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh; ông Nguyễn Quang Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh; ông Nguyễn Huy hoàng, Phó Ban quản lý Khu kinh tế; ông Bùi Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ; ông Nguyễn Quốc Dũng Giám đốc Sở Công thương; bà Giang Thị Lan Thu, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân; ông Đào Trần Lành, CVP Hội Doanh nhân trẻ; cùng đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Quốc Duy phát biểu khai mạc buổi làm việc
Đến dự còn có Nhà báo, Luật gia Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường – Truyền thông quốc tế (Viện IMRIC); Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống; bà Nguyễn Thị Thiêm, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP Thủ Đức; Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Xuân Thăng, Cố vấn Viện IMRIC cùng các thành viên trong đoàn công tác của Viện IMRIC.
Ông Trần Quốc Duy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Bình Phước chia sẻ, Bình Phước là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên, khoáng sản phong phú, an ninh, chính trị ổn định. Bình Phước là cầu nối quan trọng của vùng với Campuchia, Lào, Thái Lan và khu vực Tây Nguyên của Việt Nam với 258,939 km giáp biên với Campuchia, 1 cửa khẩu quốc tế và 2 cửa khẩu quốc gia, cách TP Hồ Chí Minh 110 km, cách sân bay Long Thành 143km, cách cảng biển Tân Cảng Đồng Nai 166 km.
Ông Madan Mohan Sethi, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh phát biểu chia sẻ với các doanh nghiệp
Bình Phước có lợi thế về quỹ đất sạch sẵn sàng cho phát triển công nghiệp tại 13 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt với diện tích 4.686 hecta; khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư với hơn 28.364 hecta và nhiều cụm công nghiệp khác đã được phê duyệt, quy hoạch tại các vị trí thuận lợi nằm trên trục đường chính nối liền tỉnh Bình Dương với Thành phố Hồ Chí Minh và tuyến đường bộ xuyên Á nằm trong quy hoạch, qua đó mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Quốc Duy nhấn mạnh, với các tiềm năng về quy hoạch đất đai, lao động, điều kiện tự nhiên thuận lợi, cảnh quan thiên nhiên đẹp, tỉnh Bình Phước chú trọng thu hút đầu tư vào các ngành thế mạnh của tỉnh như phát triển nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp sản xuất; công nghệ chế biến, đặc biệt phát huy thế mạnh về ngành điều và cao su của tỉnh; các ngành thương mại, dịch vụ và du lịch…
Viện trưởng Viện IMRIC, Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống trao đổi với ông ông Madan Mohan Sethi, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh bên lề buổi trao đổi
Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ song phương bền chặt trong suốt chiều dài lịch sử cùng với sự tăng trưởng ấn tượng về thương mại giữa hai nước trong vài năm qua. Năm 2021, lần đầu tiên thương mại song phương Việt Nam – Ấn Độ vượt mốc 13 tỉ USD (13,2 tỉ USD), tăng 36,5% so với mức 9,6 tỉ USD của năm 2020; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 6,25 tỉ USD (tăng 20% so với năm 2020). Là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới với 1,4 tỷ dân, Ấn Độ là thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu xuất khẩu hàng hóa.
Tại sự kiện, các đại biểu tham dự đã nhận định Việt Nam và Ấn Độ có nhiều dư địa để hợp tác toàn diện cả về thương mại và đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực kỹ thuật số, công nghiệp hỗ trợ, thương mại điện tử, bán lẻ và nông sản.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng ông Madan Mohan Sethi, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh
“Tỉnh Bình Phước luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Song song với việc đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, lãnh đạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo công tác đổi mới cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, đề ra những định hướng đúng, vận dụng linh hoạt các chính sách của Trung ương phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tập trung phát triển sự nghiệp giáo dục, đổi mới tư duy đào tạo nhân lực, thu hút nhân tài, mở rộng liên kết, liên doanh đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng mới cơ sở đào tạo đạt chất lượng cao, đồng thời đẩy mạnh sự phối hợp của các nhà khoa học để kết hợp đổi mới công nghệ vào sản xuất kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi phát triển hệ thống doanh nghiệp, doanh nhân và các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn để không ngừng nâng cao giá trị sản xuất kinh doanh, làm giàu cho đất nước và giải quyết việc làm cho người dân”, ông Duy nhấn mạnh.
Bên cạnh việc thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư, tỉnh Bình Phước rất quan tâm, tạo cơ chế thông thoáng nhất để đẩy mạnh kết nối hợp tác cho cộng đồng doanh nghiệp tại Bình Phước và Ấn Độ, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của 2 quốc gia bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ chính là động lực thực sự để đưa nền kinh tế của Ấn Độ và Việt Nam ngày càng xích lại gần nhau.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Phước cũng đã giới thiệu với đoàn công tác về quy hoạch các khu công nghiệp và thực trạng, những chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đại diện các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Bình Phước đã trao đổi thông tin, thảo luận với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh về các vấn đề như: Cơ hội đầu tư vào Ấn Độ, điều kiện để xuất khẩu các mặt hàng Nông – Lâm nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm thế mạnh của Bình Phước như hạt điêu, tiêu, bơ,…
Tổng Lãnh sự quán, cam kết sẽ ủng hộ tìm hiểu, hợp tác, xúc tiến đầu tư giữa Bình Phước và Ấn Độ. Cụ thể, Tổng Lãnh sự quán đề nghị trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Bình Phước xác định 5 sản phẩm chủ lực cũng như 5 lĩnh vực chủ yếu mà tỉnh đang kêu gọi đầu tư. Trên cơ sở đó, Tổng Lãnh sự quán sẽ hỗ trợ về mặt thông tin cũng như kết nối doanh nghiệp giữa 2 bên trao đổi qua online, zoom,.. để tạo ra điều kiện, cơ hội để hai bên thăm dò thị trường của nhau nhằm kết nối thị trường Bình Phước và Ấn Độ. Ngoài ra, Ấn Độ có thể giúp đỡ đào tạo doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực chủ lực của Bình Phước đang cần để doanh nghiệp hai bên Xúc tiến thương mại, du lịch, giáo dục, ý tế,….
Bên cạnh đó, Tổng Lãnh sự quán đề nghị doanh nghiệp của tỉnh tham dự các sự kiện, tìm cơ hội đầu tư tại Ấn Độ. Tin rằng, Bình Phước sẽ là địa điểm đầu tư đáng tin cậy của nhiều doanh nghiệp Ấn Độ trong hành trình tìm kiếm cơ hội đầu tư của mình; Bình Phước sẽ luôn cùng phía Ấn Độ xây dựng cầu nối vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp tại Bình Phước và Ấn Độ nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi bên, đóng góp vào sự phát triển của hai quốc gia.
Hải Linh
Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh đến thăm và làm việc tại tỉnh Bình Phước