(PTTTO) – Ngày 4/11/2022, tại Hội mỹ thuật TPHCM (toạ lạc tại 218A Pasteur, Quận 3) đã diễn ra triển lãm tranh “Giấc mơ màu” với 11 hoạ sĩ, tác giả. Triển lãm được tổ chức trong 4 ngày (từ ngày 7/11 đến 10/11/2022), với mục đích gây quỹ hỗ trợ những trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa ở tỉnh Gia Lai.
NSNA Hồ Sỹ Minh – Phó Chủ tịch Hội NSNAVN, TBT Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống; NSNA Đoàn Hoài Trung – Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP.HCM; NSNA Nguyễn Hồng Nga – Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP.HCM chụp ảnh lưu niệm tại triển lãm
Hơn 80 bức tranh của 11 tác giả gồm: Tôn Thất Bằng, Đỗ Lệnh Hùng Tú, Nguyễn Tiến Lễ, Nguyễn Thị Hảo, Đỗ Hương, Nguyễn Thị Xuân Mai, Nguyễn Hồng Nga, Nguyễn Nghiêm, Vũ Kim Sơn, Nguyễn Trọng Tâm, Nguyễn Kim Thúy. Có thể thấy, “Giấc mơ màu” là sự tập hợp nhóm những người có cùng đam mê hội hoạ, bao gồm các nhà báo, nhiếp ảnh gia, nhà giáo, doanh nhân và khách mời là những hoạ sĩ chuyên nghiệp.
Nghi thức cắt băng khai mạc triển lãm
Đây là những người đã và đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực xã hội và cùng chia sẻ mối quan tâm chung với cộng đồng. Trong suốt những năm qua, nhóm “Giấc Mơ Màu” đã tổ chức thành công 2 cuộc trưng bày tranh nhằm gây quỹ từ thiện giúp đỡ nạn nhân chất độc Da Cam, trẻ em nghèo và những người kém may mắn trong xã hội.
Sau gần 3 năm bị gián đoạn vì đại dịch Covid – 19, cuộc triển lãm lần này được tổ chức nhằm gây quỹ giúp xây một phòng học cho trẻ em ở huyện vùng sâu của tỉnh Gia Lai. Tranh của các tác giả khá đa dạng về đề tài, từ phong cảnh, sinh hoạt đời thường, tĩnh vật, chân dung đến các đề tài về tôn giáo. Địa bàn và đối tượng được phản ánh trong tranh không chỉ giới hạn ở nhiều vùng miền trong nước mà còn cả ở nước ngoài.
Chia sẻ tại triển lãm, ông Nguyễn Xuân Tiên – Chủ tịch Hội mỹ thuật TPHCM, nhấn mạnh: “Triển lãm Giấc mơ màu gồm hơn 80 bức tranh của 11 tác giả, các tác giả ở nhiều lứa tuổi khác nhau từ U30 đến U80, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau: điện ảnh, nhà báo, thiết kế thời trang… Mặc dù có khác biết về tuổi tác, điều kiện công việc nhưng điểm chung ở họ đó là tình yêu với nghệ thuật, sự nhiệt huyết trong hoạt động nghệ thuật”
Tương tự, nhà báo Nguyễn Tiến Lễ (một trong 11 tác giả) cho rằng ông có 7 bức tranh tham gia triển lãm ảnh lần này. Đây là lần thứ hai ông tham gia triển lãm Giấc mơ màu. Nhà báo Nguyễn Tiến Lễ, cho rằng: “Tôi vẽ khá nhiều đặc biệt là những năm đại dịch. 7 bức tranh lựa chọn tham gia triển lãm đều là những bức tranh lần đầu tiên được triển lãm tại Giấc mơ màu. Chất liệu chính là acrylic, chủ đề chính trong tranh của tôi là phong cảnh, các hoạt động trong sinh hoạt đời thường như những người thợ làm gốm, thợ làm bánh, cảnh quan trong nước thế giới, tĩnh vật… Nhóm Giấc mơ màu được hình thành cách đây khoảng 7 năm với hơn 10 người, có nhà báo, nhiếp ảnh gia, nhà nghiên cứu nghệ thuật, thời trang. Mục đích của những đợt triển lãm đều nhằm hỗ trợ giúp đỡ những người kém may mắn, đặc biệt là trẻ em, đó là điều thôi thúc tôi tham gia”.
Cùng với đó, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, cho rằng: “Nhóm Giấc mơ màu đã truyền cho tôi cảm hứng sống và làm việc trong những ngày tháng dịch bệnh phức tạp, những ngày tôi bị tai biến. Với tôi, không phải vẽ cái gì mà vẽ thế nào. Họ vẽ được câu chuyện trong nghề nghiệp đã đi qua, cách nhìn đời gần đây. Bức tranh nói được rất nhiều qua màu, bố cục, kí ức, cách nhìn đề tài, cách họ cho khán giả thấy rằng họ đã nhìn cuộc đời say mê như vậy…Nhiều tác giả ở độ tuổi trên dưới 70, 80, ở độ tuổi này không phải ai cũng làm được những điều đáng khâm phục như các anh chị. Xem tranh xong, tôi đem về rất nhiều năng lượng tích cực”.
Tương tự, Hoạ sĩ Tô Hoài Nam nói “Không phải vì Nguyễn Tiến Lễ có nhiều tranh mà bởi nhìn vào tranh ông Lễ, tôi có cảm giác ông này mê vẽ, thích vẽ. Tay ngang nhưng tác giả Nguyễn Tiến Lễ chuyên nghiệp ở chỗ: tranh có chính có phụ, có ý thức truyền thông điệp đến người xem, sự giác ngộ về sứ mệnh của hội hoạ dù trong tranh vẫn còn lỗi. Cái người ta hướng tới không phải là vẽ một bức tranh đúng, tranh đẹp mà quan trọng là bộc lộ ý đồ. Đó là điều mà bản thân các hoạ sĩ chuyên nghiệp cũng còn thiếu. Thiếu cái đó thì chỉ là bản năng thuần tuý mà thôi”.
Tin rằng, triển lãm “Giấc Mơ Màu” lần 3 với sự hoà trộn sắc màu và kỹ thuật và tính đa dạng trongphong cách giữa các hoạ sĩ chuyên nghiệp và những người yêu hội hoạ sẽ giúp những người thưởng ngoạn có một trải nghiệm thú vị khi xem tranh.
Theo Bài: Minh Sơn – Ảnh: Kiều Anh Dũng/HNTTO