(PTTTO) – Xây dựng hình ảnh cá nhân là sự tổng hợp tất cả những ấn tượng, niềm tin và tri giác của một cá nhân, hay còn gọi là “Nhân hiệu – Thương hiệu” của một con người, một cá nhân. Có thể nói, quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân có thể đơn giản hay phức tạp tùy thuộc vào tính cách, quan điểm, mục tiêu và giá trị sống của chính các cá nhân đó và cũng phải phù hợp với đặc điểm nghành nghề của mỗi cá nhân.
Ảnh minh hoạ
Không thể phũ nhận rằng, mạng xã hội đang ngày càng mang lại nhiều lợi ích cho nhiều người hiện nay. Không chỉ giúp kết nối và mở rộng mối quan hệ, nhiều người còn biết cách tận dụng xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội, giúp phát triển bản thân và tiếp cận thêm nhiều cơ hội việc làm.Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, rất nhiều người dân bỗng nhiên trở thành “mục tiêu” của sự công kích, chế giễu trên không gian mạng xã hội ngay sau khi bị ghép ảnh và đăng thông tin khiếm nhã trên mạng xã hội.
Lướt trên không gian mạng xã hội trong một số hội, nhóm riêng tư trên Facebook chuyên đăng những thông tin “18+”, hoặc các hội nhóm tìm bạn bốn phương, đi tìm tình yêu…gần đây, đã xuất hiện không ít thông tin “cần tuyển phi công” hoặc “cần tình một đêm” với những tiêu đề giật gân. Trong những bài viết này thường đăng hình của những phụ nữ trung niên ăn mặc có phần gợi cảm và hàng loạt tài khoản mạng xã hội vào bình luận khiếm nhã.
Qua tìm hiểu, những người tự đăng ảnh bản thân lên mạng như trên thì rất ít, hầu hết họ bị người khác lấy ảnh rồi ghép vào các bài viết. Đối tượng đăng tải thông tin có thể để đùa vui, “câu view”, thếnhưng cũng có thể thuộc băng nhóm tội phạm, dùng các tin này để lừa đảo. Gần đât nhất, trên không gian mạng xã hội từng rộ lên trường hợp một băng nhóm dùng thông tin “phụ nữ trung niên tuyển phi công” với mức tiền rất hậu hĩnh, lừa được nhiều thanh niên liên hệ gửi tiền, nạp card điện thoại.
Nói về vấn đề này, Tiến sĩ – Nhà báo Hồ Minh Sơn – Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC), Đại diện TC Nhiếp ảnh và Đời sống cho rằng pháp luật có quy định đối với hành vi xâm phạm hình ảnh, bôi nhọ cá nhân trên mạng xã hội.
Cũng theo Tiến sĩ Hồ Minh Sơn dẫn chứng các cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình được quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được sự đồng ý của người đó và việc sử dụng hình ảnh của người khác vào mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Theo Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý. Điều này khẳng định, việc tự ý đăng ảnh người khác khi chưa có sự đồng ý của người đó hoặc đăng ảnh có liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân khi chưa có sự đồng ý của người đó là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Tại khoản 1 Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội làm nhục người khác, với mức phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn cho biết thêm. Tại khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, cụ thể: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan , tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin bí mật đời tư cá nhân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
Tiến sĩ Hồ Minh Sơn cho biết tại điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật. Đối với xử lý hình sự: Hành vi đăng ảnh người khác lên MXH khi chưa được sự cho phép của người đó nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155Bộ luật Hình. sự: Người có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; Trường hợp sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm; Mặt khác, người vi phạm có thể bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Dịp này, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn chia sẻ them theo Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định. Ngoài các chi phí trên, người có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Chính vì thế, để bảo vệ danh dự, người bị hại nên quyết liệt trình báo sự việc lên cơ quan có thẩm quyền để được bảo vệ trước những đối tượng sử dụng hình ảnh cá nhân, riêng tư của người khác đăng tải cho các mục đích xấu thường khá tinh vi, ẩn nấp trên không gian mạng rộng lớn, lợi dụng tính chất ẩn danh để tránh gặp phiền phức với nạn nhân. Tin rằng, mạng xã hội là nơi giải trí, giao lưu nhưng cũng là môi trường khá nguy hiểm, việc đăng tải những hình ảnh cá nhân hoặc người thân mang tính chất quá riêng tư, hình ảnh gợi cảm, nhạy cảm dễ bị kẻ xấu lợi dụng, gây hậu quả không hay. Vì vậy, mỗi người dùng mạng xã hội cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ hình ảnh và thông tin riêng tư của mình để tránh gặp những rắc rối, nguy hiểm không đáng có.
Văn Hải – Công Danh