(PTTTO) – Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bên cạnh ý nghĩa phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững còn góp phần xây dựng và hình thành nét đẹp văn hóa tiêu dung, du lịch của người Việt Nam. Theo đó, công tác tuyên truyền, vận động có vai trò, ý nghĩa rấtquan trọng, là nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong tổ chức thực hiện Cuộc vận động.
Cụ thể, theo thông báo Kết luận số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị nêu rõ: “Đẩy mạnh công tác tổ chức thông tin, tuyên truyền, vận động, làm cho người tiêu dùng trong nước và nước ngoài nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; Vận động người tiêu dùng Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam khi tiêu dùng cá nhân, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam; Các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị – xã hội sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công; Các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong nước khi triển khai thực hiện các dự án, công trình sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu nội địa và dịch vụ có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập để sản xuất và kinh doanh. Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm, hàng hóa Việt Nam”.
Đồng thời, nhằm đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền vận động người tiêu dùng, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 17/9/2012.
Được biết, từ năm 2009 đến nay, trong quá trình triển khai thực hiện Cuộc vận động, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, các cơ quan truyền thông, báo chí, các doanh nghiệp luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện Cuộc vận động. Từ đó, chuyển đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt, cổ vũ, khích lệ sự sáng tạo, niềm tự hào, tinh thần trách nhiệm của các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà sản xuất trong việc nâng cao chất lượng, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh sản xuất hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần được các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp coi trọng trong thực hiện Cuộc vận động.
Vì vậy, ngày 10/4/2022 tới đây, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) sẽ tổ chức cuộc họp báo nhằm thông tin về Cuộc thi ảnh đẹp “Người Việt tin dùng hàng Việt”. Đồng thời, tổ chức ra mắt hai trung tâm và CLB trực thuộc gồm: Trung tâm tư vấn pháp lý (tại TP.HCM); CLB Nghiên cứu và Phát triển Thị trường (tại TP.HCM); Trung tâm Phát triển doanh nghiệp – Truyền thông Quốc tế (tại Đắk Nông)…Các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn…có thể đăng ký với BTC cuộc thi để các nhà nhiếp ảnh quảng bá sản phẩm với người tiêu dùng.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) cho biết, Chương trình Cuộc thi ảnh đẹp có chủ đề “Người Việt tin dùng hàng Việt” nhằm khơi gợi lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, niềm tự hào, tự tôn dân tộc là những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Songsong với đó, từ xa xưa, trước mọi thử thách của dân tộc, nếu biết khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, phát huy trí tuệ, niềm tự hào, tự tôn dân tộc của nhân dân thì sẽ tạo thành nguồn sức mạnh vô địch đưa đất nước vượt qua mọi hiểm nguy, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ giang sơn bờ cõi. Vì lẽ đó, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) tổ chức cuộc thi và triển lãm ảnh đẹp “Người Việt tin dùng hàng Việt” nhằm ghi nhận những hình tượng đẹp liên quan đến mọi lĩnh vực “sản xuất – phân phối – tiêu dùng” hàng Việt Nam trong đời sống sinh hoạt cộng đồng 64 dân tộc, kể cả với các công dân nước ngoài trên mọi vùng lãnh thổ, không phân biệt điạ giới.
Theo ông Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), nhấn mạnh: “Đại dịch Covid-19 khởi phát từ cuối năm 2019 đến nay vẫn đang diễn biến phức tạp, gây nhiều tác động tiêu cực chưa từng có tiền lệ lên nền kinh tế Việt Nam và thế giới. Song song đó, nhằm góp phần nhỏ nhoi vào việc ủng hộ, đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt sản xuất ra các sản phẩm rõ nguồn gốc xuất sứ, đảm bảo chất lượng, có sức cạnh tranh đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu…Phát huy lòng tự tôn dân tộc, ý chí tự lực, xây dựng văn hóa tiêu dùng đưa khẩu hiệu “Người Việt tin dùng hàng Việt” thực sự trở thành hành động, đưa nền kinh tế nước nhà sớm trở lại đường ray phát triển, hướng đến mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng…
Viện trưởng Viện IMRIC khẳng định thể hiện niềm tự hào về sản phẩm Việt qua mọi hình thức: Sản xuất công nghiệp (ngành ô tô, ngành hóa chất, ngành công nghệ điện tử, ngành xây lắp, ngành chăm sóc sức khỏe, ngành hàng tiêu dùng, ngành chế biến thực phẩm, ngành dược phẩm – y tế…) sản xuất tiểu thủ công nghiệp (mây, tre, lá…) ngành nuôi trồng, thu hoạch, chế biến, các sản phẩm thuần Việt…Các sản phẩm thương hiệu Việt gắn liền với sinh hoạt hàng ngày: tôn giáo, lễ hội, hôn nhân, đường phố, nhà hàng, gia đình. Những sản phẩm có chất lượng tốt cho sức khỏe cộng đồng gắn liền mâm cơm Việt truyền thống như: thực phẩm chế biến, gia súc, gia cầm, rau-củ-quả …Từ đó, kích hoạt ngành công nghiệp không khói. Ngoài ra, Viện trưởng IMRIC cũng cho hay đây là cuộc thi lần thứ I, cuộc thi lần thứ hai có chủ đề “Người Việt tự hào dùng hàng Việt”…
Tin rằng, thông qua Cuộc thi ảnh đẹp “Người Việt tin dùng hàng Việt” lần thứ I sẽ tạo thêm động lực thúc đẩy các doanh nghiệp, các ngân hàng, các đơn vị trong Khối sản xuất ra các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt hơn. Chính sự cộng hưởng này, sẽ góp phần làm cho các doanh nghiệp ngày càng phát triển và khẳng định vị thế của mình trên thị trường nội địa và vươn tầm thế giới.
Văn Hải